CÁCH HÓA GIẢI THÁI TUẾ

Thái tuế và cách hóa giải
Sách Hiệp kỷ Biện phương Thư trong phần nói về cách hóa giải các Thần sát có viết bài thơ sau:
“Muốn phát quý cần tu Thái Tuế,
Muốn phát phúc cần tu Tam sát,
Muốn đại hưng cần tu Hỏa Tinh,
Muốn tiểu hưng cần tu Kim Thần,
Muốn phát phú cần tu Quan Phù,
Muốn bình yên cần tu Cửu Thoái”.
Thái Tuế chính là sao Mộc tinh, 1 hành tinh lớn nhất trong Thái dương hệ, cứ 12 năm di chuyển hết 1 vòng chung quanh mặt trời. Vì ảnh hưởng của Thái Tuế đối với trái đất rất lớn, nên người xưa mới đặt ra 12 con Giáp để xác định vị trí của nó so với trái đất mỗi năm như hình 1.
Như năm TÝ thì Thái Tuế đến TÝ, nhưng ảnh hưởng của nó bao trùm cả 3 sơn NHÂM – TÝ – QUÝ, tức toàn bộ phía BẮC. Qua năm SỬU Thái Tuế đến SỬU, nhưng ảnh hưởng của nó chỉ giới hạn tại SỬU mà thôi. Tới năm DẦN thì Thái Tuế đến DẦN, nhưng ảnh hưởng của nó bao gồm cả 2 cung CẤN – DẦN. Rồi cứ như thế lập lại, tức là với những năm TÝ – NGỌ – MÃO – DẬU thì ảnh hưởng của Thái Tuế lớn nhất. Với những năm DẦN – THÂN – TỴ – HỢI thì lực của nó cũng khá mạnh, còn với những năm THÌN – TUẤT – SỬU – MÙI thì lực của nó yếu nhất. Đó là nói về phương hướng để ứng dụng cho nhà cửa hay mồ mả, mỗi khi gặp Thái Tuế đến đều phải chú ý, thận trọng, vì nếu xâm phạm tới nó nhiều khi sẽ gặp những tai họa lớn. Còn đối với số mệnh thì những ai có năm, tháng, ngày, giờ sinh xung, khắc, hình, hại, hay trùng lập với nó cũng dễ mắc tai họa. Tuy nhiên, nếu biết cách hóa giải nó thì chẳng những không gặp điều gì xấu, mà còn có thể phát công danh, địa vị, uy quyền, cũng như tài lộc nữa. Chính vì thế nên mới có câu: “Muốn phát quý cần tu Thái Tuế”.
Nhưng như thế nào mới được gọi là “tu” Thái Tuế? Nó không có nghĩa là phải lập đàn rồi lên đó niệm thần chú, cúng tế các sao để cầu xin chúng ban phúc, giải họa như nhiều người thời nay thường làm là mua miếng giấy có vẽ hình Thái Tuế và những câu phù chú về đốt nhang đèn, bày lễ vật cúng vái cho được tai qua nạn khỏi. Những cách này không những mang nặng sự mê tín, mà hiệu quả cũng rất thấp, vì vậy nên đã bị sách Hiệp kỷ gạt bỏ ra mà không nói gì tới. Ngược lại, Hiệp kỷ lại đưa ra phương pháp hóa giải Thái Tuế như sau:
Sách “Tuyển trạch Tông kính” nói rằng: “Thái Tuế là Quân, ngồi vào thì cát, hướng tới thì hung, vì như thế là xung với Thái Tuế, tức phương tọa đã bị Phá. Nếu 8 chữ trong tứ trụ hợp với Thái Tuế thì cát, xung hoặc hình khắc thì hung. Đó là do bầy tôi mà lại xúc phạm đến vua. Nếu Thái Tuế gặp được các loại cát tinh của Tử – Bạch, Tam Kỳ, Lộc Mã Qúy nhân trùng trùng thì cực tốt, giống như gặp được vua hiền ban ơn, bố đức xuống khắp thế nhân. Nếu Thái Tuế lại gặp các hung sát tinh như Mậu – Kỷ, niên khắc, Âm Phủ, Đại sát…trùng trùng thì cực hung. Bởi vì chúng như loạn thần dựa thế vua, nên quyền lực càng lớn mà gây nhiều tội ác. Vì vậy, khi Thái Tuế đến tọa sơn hoặc hướng đều phải xét kỹ là nó gặp được nhiều cát tinh, chứ không gặp nhiều hung tinh. Lúc đó mới phối hợp thêm với tứ trụ vào để được nhất khí, hoặc được tam hợp cục với Thái Tuế thì có thể tạo táng, di chuyển thì phúc của nó rất lớn mà lại bền lâu, mọi cát tinh khác đều không thể so sánh được. Cho nên Thái Tuế cần có thêm bát tiết Tam kỳ, Thái Dương, Tử – Bạch, nhiều cát thần cùng đến. Còn bản mệnh có Qúy nhân, Lộc phù trợ thì vô cùng tốt đẹp.
Tăng văn Mông nói rằng: “Cát càng thêm cát là do tu được Thái Tuế, hung càng thêm hung là vì phạm Thái Tuế. Thái Tuế ở chỗ nào nên tạo táng, dời nhà đến, lợp nhà, đều là những cách tu sửa vậy. Nơi đó không nên dỡ bỏ, hủy hoại, đào hầm hố, ao sâu, vì đều là phạm Thái Tuế vậy”.
Xét Thái Tuế là Tuế Quân, nếu đến tọa lại gặp nhiều cát tinh hội tụ nơi đó thì có thể nhân thế vượng mà tu tạo, mai táng để tạo phúc lộc tốt. Nếu nó đến hướng thì nên thong thả, chứ không nên khởi công xây mới trong năm đó, vì như thế là cầu may mạo hiểm làm, chưa chắc đã được phúc, nên thà đừng làm để không phạm Thái Tuế. Sách “Thông thư” đưa ra thuyết dùng nạp âm của tháng, ngày khắc nạp âm của Thái Tuế để hóa giải là điều vô lý.
Thái Tuế có thể đến tọa, chứ không thể đến hướng, lập luận đó không hề thay đổi. Bởi vì Thái Tuế đến hướng thì Tuế Phá sẽ đến tọa, nên dù có cát tinh cũng không thể hóa giải được. Lại xét cùng 1 vị trí Thái Tuế tới tọa, nhưng cũng có lúc không giống nhau. Như các năm TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, Thái Tuế với Đại Sát ở cùng 1 vị trí, Tam Sát với Thái Tuế đối xung nhau thì dù có đến tọa cũng không cát. Sách “Tông kính” cho rằng Đại Sát chính là Đả đầu Hỏa, nên cho rằng Thái Tuế gặp Đả đầu Hỏa là hung. Điều này làm sai nghĩa của nó, nên nay cải chính lại”.
Đoạn văn trên được trích từ Hiệp kỷ Biện phương Thư. Nó cho thấy muốn hóa giải Thái Tuế thì nơi Thái Tuế đến cần phải có nhiều cát tinh, và xa lánh hung tinh. Nhưng Bát tiết Tam kỳ, Thái Dương, Qúy nhân, Lộc – Mã là gì? Dưới đây xin giải thích để mọi người hiểu rõ hơn.
1/ TAM KỲ: là những Thiên Can đi chung với nhau, và được chia ra làm 3 nhóm như sau:
a/ Thiên thượng Tam kỳ: là 3 Thiên Can GIÁP – MẬU – CANH.
b/ Địa hạ Tam kỳ: là 3 Thiên Can ẤT – BÍNH – ĐINH.
c/ Nhân trung Tam kỳ: là 3 Thiên Can NHÂM – QUÝ – TÂN.
Thí dụ: vào năm MẬU TUẤT (2018), Thái Tuế đến TUẤT, nếu nhà tọa TUẤT hướng THÌN muốn tu sửa hoặc xây mới thì có thể chọn tháng GIÁP, ngày CANH khởi công. Như thế sẽ được Thiên thượng Tam kỳ GIÁP – MẬU – CANH, nên sẽ làm tăng thêm cát khí của Thái Tuế. Hoặc nhà tọa MÙI hướng SỬU muốn xây mới vào năm ẤT MÙI thì có thể chọn tháng BÍNH, ngày ĐINH để được Địa hạ Tam kỳ. Nếu nhà tọa HỢI hướng TỴ muốn xây dựng vào năm KỶ HỢI thì có thể chọn tháng GIÁP, ngày MẬU, giờ CANH để được Thiên thượng Tam kỳ, hoặc tháng NHÂM, ngày QUÝ, giờ TÂN để được Nhân trung Tam kỳ… Tuy nhiên, Tam kỳ của năm, tháng, ngày thì mạnh hơn của tháng, ngày, giờ. Ngoài ra, trong số mệnh cũng có Tam Kỳ, như 1 người sinh năm NHÂM DẦN, tháng QUÝ MÃO, ngày TÂN HỢI, tức là cũng có đủ NHÂM – QUÝ – TÂN, nên đắc Nhân trung Tam kỳ trong số mệnh H1.
2/ THÁI DƯƠNG: là vị trí của mặt trời so với trái đất trong năm, và di chuyển theo bảng (Hình 2).
Thí dụ: trong tiết Lập xuân của tháng Giêng thì Thái Dương đến NHÂM, qua khí Vũ Thủy đến Hợi. Đến tiết Kinh Trập của tháng 2 tới CÀN, qua khí Xuân Phân tới TUẤT…Vì vậy, nếu nhà tọa TUẤT hướng THÌN muốn xây mới vào năm MẬU TUẤT như thí dụ trên thì có thể chọn khởi công trong khí Xuân Phân của tháng 2 ÂM LỊCH, sẽ được Thái Dương cùng đến TUẤT với Thái Tuế mà làm tăng thêm sự tốt đẹp.
3/ Qúy nhân: là những cát thần như Thiên Ất quý nhân (hay ÂM – DƯƠNG Qúy nhân), Thiên Quan Qúy nhân, Phúc tinh Qúy nhân, Thái cực Qúy nhân, Thiên Đức – Nguyệt Đức Qúy nhân. Cách tìm những sao Qúy nhân như bảng (Hình 3).
Thí dụ: nếu năm (tháng, ngày hoặc giờ) GIÁP thì Thiên Ất Qúy nhân tại SỬU – MÙI (trong đó chia ra DƯƠNG QUÝ NHÂN tại MÙI, ÂM QUÝ NHÂN tại SỬU); Thiên Quan Qúy nhân tại DẬU; Phúc Tinh Qúy nhân tại DẦN; Thái Cực quý nhân tại TÝ – NGỌ. Tức là những sao này đều dựa vào Thiên Can của năm, tháng, ngày, giờ mà tính. Rồi lại phân chia ra Qúy nhân của năm mạnh hơn của tháng, của tháng mạnh hơn của ngày, của ngày mạnh hơn của giờ. Nhưng đối với số mệnh thì chỉ tính Qúy nhân theo năm sinh và ngày sinh mà thôi. Như người sinh năm GIÁP mà nếu trong năm, tháng, ngày, giờ sinh có SỬU hay MÙI là có Thiên Ất Qúy nhân, và đó là Qúy nhân của năm. Nếu sinh ngày QUÝ mà thấy trong năm, tháng, ngày, giờ có MÃO hay TỴ là có Thiên Ất Qúy nhân, và đó là Qúy nhân của ngày sinh. Các quý nhân khác cũng tính như thế.
Còn Thiên Đức – Nguyệt Đức thì tính theo tháng ÂM LỊCH như bảng (Hình 4).
Thí dụ: tháng Giêng thì Thiên Đức ở Đinh, Nguyệt Đức ở Bính; tháng 2 thì Thiên Đức ở Thân, Nguyệt Đức ở Giáp…
4/ Lộc – Mã: tức Lộc thần (thần của tài lộc) và Thiên Mã. Cách tìm Lộc thần như bảng (Hình 5).
Thí dụ: năm, tháng, ngày hay giờ GIÁP thì Lộc thần tại DẦN, năm, tháng, ngày, giờ ẤT thì Lộc thần tại MÃO…, với Lộc của năm (còn gọi là Tuế Lộc) mạnh hơn của tháng; Lộc của tháng (gọi là Kiến Lộc) mạnh hơn của ngày; Lộc của ngày (gọi là Chuyên Lộc) mạnh hơn của giờ (gọi là Qúy Lộc). Nhưng đối với số mệnh thì chỉ tính Lộc theo ngày sinh mà thôi. Như người sinh ngày BÍNH mà trong năm, tháng, ngày, giờ sinh có TỴ là có Lộc.
Về Thiên Mã (hay Dịch Mã) thì cách tính như sau:
DẦN – NGỌ – TUẤT thì Thiên Mã ở THÂN.
THÂN – TÝ – THÌN thì Thiên Mã ở DẦN.
TỴ – DẬU – SỬU thì Thiên Mã ở HỢI.
HỢI – MÃO – MÙI thì Thiên Mã ở TỴ.
Thí dụ: năm, tháng, ngày, giờ DẦN thì Thiên Mã ở THÂN; năm, tháng, ngày, giờ SỬU thì Thiên Mã ở HỢI…, và cũng chia ra Mã của năm mạnh hơn của tháng; Mã của tháng mạnh hơn của ngày; Mã của ngày mạnh hơn của giờ. Đối với số mệnh thì chỉ dựa vào Địa Chi của năm sinh và ngày sinh để tìm Thiên Mã. Như 1 người sinh năm DẦN, nếu trong tháng, ngày, giờ sinh có THÂN là có Thiên Mã. Nếu người đó sinh ngày TÝ, mà trong năm, tháng, giờ sinh có DẦN là cũng có Thiên Mã của ngày sinh.
Như vậy, cách “tu” Thái Tuế trong Hiệp kỷ Biện phương Thư là dùng những thần sát tốt khác như Tam Kỳ, Thái Dương, Qúy Nhân, Lộc – Mã, cũng như những sao tốt của Phi tinh là 1, 6, 8, 9 đến bao quanh Thái Tuế, khiến cho nó không thể giáng họa, mà chỉ phát phúc lộc thôi. Nếu thần sát tốt càng nhiều, càng mạnh thì phúc lộc càng lớn và bền lâu. Cho nên với nhà cửa, mồ mả gặp năm Thái Tuế đến tọa, nhưng nếu chọn được thời điểm có nhiều cát thần đến đó thì có thể tu sửa hoặc xây dựng sẽ gặp được nhiều phúc lớn. Còn với số mệnh con người nếu chẳng may năm, tháng, ngày hoặc giờ sinh xung, khắc, hình, hại hoặc trùng lập với Thái Tuế, nhưng nếu trong tứ trụ lại có nhiều Qúy nhân, Lộc – Mã, hay được 1 trụ hợp mất sự xung, hình, khắc, hại với Thái Tuế thì chẳng những sẽ không có tai họa gì, mà vẫn gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong năm đó.
Chính vì vậy nên mới nói cách cúng Thái Tuế để giải nguy, cầu an thật ra không có hiệu quả gì, mà chỉ làm tăng thêm sự mê tín. Nếu sau khi cúng mà cuộc sống vẫn được yên ổn, tốt đẹp thì chỉ là do trong tứ trụ của người cúng đã có những thần sát, hay những cách hóa giải được điều đó. Ở trên tôi mới nói đến Qúy nhân, Lộc – Mã có thể hóa giải Thái Tuế, nhưng không phải chỉ có 1 cách đó, mà còn nhiều cách cục khác cũng có thể hóa giải được vấn đề xung, hình, khắc, hại Thái Tuế. Thí dụ 1 người tuổi ẤT MÙI, gặp năm KỶ SỬU (2009) là xung khắc Thái Tuế. Nhưng nếu trong tháng, ngày, giờ sinh, hay đại vận của người đó có Địa Chi TÝ, thì TÝ đã hợp với SỬU, mà không còn sự tương xung giữa SỬU và MÙI nữa, nên tai họa cũng đã giảm đi rất nhiều rồi. Nếu lại còn gặp tháng, ngày, hay giờ sinh là GIÁP TÝ, thì GIÁP hợp với KỶ, TÝ hợp với SỬU, hoàn toàn không còn xung khắc với tuổi nữa, vì Thái Tuế đã được hợp chặt, nên sẽ không có tai họa gì xảy ra.
Một trường hợp khác là tuy năm sinh và Thái Tuế xung khắc nhau, nhưng nếu trụ năm là kỵ thần của mệnh, thì khi được Thái Tuế xung khắc, kỵ thần đó sẽ bị triệt tiêu, nên lại là năm tốt đẹp cho người đó.
Do đó, rất nhiều người tuy tuổi (hoặc tháng, ngày, giờ sinh) xung, hình, khắc, hại Thái Tuế, nhưng do trong tứ trụ của họ đã có những cách hóa giải, nên không những không gặp tai họa, mà lại gặp nhiều thuận lợi, may mắn hơn những năm khác. Còn chỉ có người trong vận mệnh không có cách gì hóa giải mới mắc tai họa mà thôi. Nhưng với những người đó tốt hơn hết là nên tìm hiểu số mệnh của mình mà dùng những cách hóa giải hữu hiệu, chứ dù có cúng vái Thái Tuế cũng vẫn không thoát được tai họa.
Trở về vấn đề hóa giải Thái Tuế theo Phong thủy cho nhà cửa hay mồ mả thì do Hiệp Kỷ (cũng như những sách tuyển trạch khác như “Tông Kính”. “Thông Thư”…) không biết nhiều về Phi tinh, mà chỉ dựa vào Thần sát, vì vậy đều cho rằng Thái Tuế đến hướng là cực xấu, và không thể hóa giải được. Tuy trong đoạn văn trích dẫn của Hiệp Kỷ có nhắc đến Tử – Bạch (tức Phi tinh), nhưng họ chỉ biết dùng Phi tinh của năm, tháng, ngày, giờ, và những số được coi là tốt của Phi tinh như 1, 6, 8, 9 để hỗ trợ hoặc bổ khuyết cho Thần sát trong việc chọn ngày, giờ, cho nên mới không đủ sức hóa giải Thái Tuế đến hướng. Nhưng thật ra, với những ai đã biết xử dụng Phi tinh rành rẽ, thấu đáo được mọi nguyên lý của Huyền không thì dù Thái Tuế đến tọa, hướng hay hông nhà cũng đều biết cách hóa giải được. Cho nên trong điều kiện có thể phối hợp cả Phi tinh với Thần sát thì ngay trong trường hợp Thái Tuế chồng chất với hung tinh ở tọa, hướng, hay bên hông nhà cũng vẫn có thể hóa giải được. Tuy nhiên, nếu biết rành rẽ về Thần sát cũng có thể hóa giải được khá nhiều trường hợp, không những là Thái Tuế, mà nhiều hung tinh khác nữa, vì vậy không nên quá coi thường, hay loại bỏ hết Thần sát. Nhất là qua những thí dụ ở trên có thể thấy được ảnh hưởng của chúng đối với số mệnh con người. Hơn nữa, nếu biết phối hợp giữa Phi tinh và Thần sát để hóa giải sát tinh thì hiệu lực càng lớn, phúc lộc càng tăng, cho nên càng phải chú ý đến Thần sát.
Về đoạn trích lời của Tăng văn Mông trong Hiệp Kỷ cũng không đúng, vì cần phải hóa giải được sát khí của Thái Tuế, chứ không phải chỉ tu sửa, lợp nhà, dời nhà là có thể “tu” được Thái Tuế, còn phá bỏ, hủy hoại, đào hầm hố…mới là phạm Thái Tuế. Vì 1 khi đã hóa giải được sát của Tuế thì dù tu sửa hay đào hầm hố cũng không việc gì, còn nếu không hóa giải được sát khí của nó thì dù chỉ tu tạo, lợp nhà cũng vẫn mắc họa. Cho nên câu này cần phải cải chính lại để người đọc không mắc lầm lẫn.