VỊ TRÍ CỬA PHÒNG NGỦ
H: Tôi thấy các sách vở về Huyền không khi nói đến vị trí cửa phòng ngủ đều dùng tâm phòng để tính (tức theo “Tiểu thái cực”). Nhưng trong bài “BÀN VỀ CÁC SỐ 1, 4 & CÁCH 1 – 4 ĐỒNG CUNG”, anh lại viết như sau:
“khi tính vị trí cửa phòng vẫn lấy theo tâm nhà (hay Đại thái cực), chứ không lấy theo tâm phòng (tức Tiểu thái cực)”. Tôi rất hoang mang về vấn đề này, mong anh giải thích thêm.
TL: Thật ra không phải chỉ có Huyền Không, mà ngay cả sách vở của các phái Bát trạch, Loan đầu… cũng đều dùng tâm phòng (tức Tiểu thái cực) để xác định vị trí cửa phòng, cũng như mọi khu vực khác trong phòng. Đó là vì sau khi đã học Phong thủy 1 thời gian (bất kể là theo phái nào), hầu như ai cũng có thể nhận biết được là 1 khu vực nào có tường vách bao bọc chung quanh và có cửa ra vào thì tự nó sẽ là 1 khoảng vũ trụ (hay Thái cực) nhỏ, với vận khí riêng của nó. Cho nên người ta mới tìm tâm phòng để xác định vận khí tại mỗi khu vực của căn phòng đó, dù là Bát trạch, Loan đầu, Phi tinh, Đại quái (theo quẻ Dịch)…cũng thế. Điều này tuy không phải là sai, nhưng khi làm như vậy thì người ta lại quên đi 1 vấn đề là căn phòng đó vẫn nằm bên trong căn nhà, nên mặc dù có vận khí riêng của nó, nhưng vẫn bị vận khí của căn nhà đó (tức Đại thái cực) ảnh hưởng và chi phối. Sự tương quan giữa vận khí căn nhà và các phòng trong căn nhà đó cũng tương tự như giữa chính phủ trung ương (Đại thái cực) và chính phủ địa phương (Tiểu thái cực). Tuy rằng chính phủ địa phương có nhiều quyền hạn, nhưng những quyền hạn đó vẫn không thể thay đổi hay đối chọi với đường lối, luật lệ của chính phủ trung ương (ngay cả trong phạm vi cai quản của mình), vì sẽ không có hiệu lực, hay gặp nhiều khó khăn, hoặc bị trừng phạt…
Chính vì ý thức được điều này, nên Huyền không Phi tinh khi tính vận khí của mỗi phòng đều áp đặt hướng và trạch vận của căn nhà lên trên căn phòng đó, bất kể vị trí và hướng phòng là gì. Còn những phái Phong thủy (như Mật Tông Loan đầu) khi tính vận khí mỗi phòng thì tùy theo vị trí cửa phòng, chứ không lệ thuộc vào hướng nhà hay phương vị cửa trước của căn nhà là hoàn toàn sai lạc. Những điều này nếu nói ra hết thì khá dài dòng, nên nếu muốn biết rõ hơn thì cần kiếm những sách vở của những phái Bát trạch, Loan đầu… mà đọc để biết cách tính vận khí cho mỗi phòng của họ.
Tuy nhiên, mặc dù đã áp đặt hướng và trạch vận của căn nhà lên mỗi phòng, nhưng nếu chỉ dùng nó để tính vận khí của phòng đó, mà không để ý đến vận khí của căn nhà tại khu vực có phòng đó thì vẫn thiếu sót và sai lạc. Thí dụ như trường hợp căn nhà hướng 30 độ đã viết trong bài “NHÀ BỊ UNG THƯ II”, được đăng lên trước đây. Nhà xây năm 1990 (tức trong vận 7). Khi mới xây xong và dọn vào ở thì gia đình khá giả, êm ấm, hạnh phúc, nhưng 9 năm sau nảy sinh rạn nứt, nên người chồng dọn ra phòng ngủ phía sau (trong hình là phòng thờ) để ngủ. Còn người vợ vẫn ngủ trong phòng ngủ phía trước. Vào giữa năm 2013, người chồng phát hiện bị ung thư gan vào thời kỳ cuối, và chỉ 5 tháng sau thì qua đời. Người vợ cho đến bây giờ cả về sức khỏe lẫn tài lộc đều tốt. Trạch vận, cùng với sơ đồ lầu 1(nơi có 2 phòng ngủ đó) như những hình bên dưới.
Chú ý: những đường màu xanh là phân chia 8 khu vực của căn nhà (tức Đại thái cực), còn những đường màu đỏ là phân chia 8 khu vực của mỗi phòng (tức Tiểu thái cực). Tôi không áp la kinh 24 hướng cho đỡ rối mắt, nhưng người đọc có thể nhận ra từng khu vực của mỗi phòng, dựa theo các phương vị của Đại thái cực trong nhà.
Nếu chỉ xét theo Tiểu thái cực thì cửa phòng ngủ phía trước của người vợ nằm ở khu vực phía NAM của căn phòng, gặp Hướng tinh Ngũ Hoàng (vì vẫn dùng trạch vận căn nhà áp đặt lên mọi khu vực của phòng ngủ), nên đúng ra phải đau yếu, bệnh tật, tai họa. Thế nhưng bà lại không hề gì là do cửa phòng nằm ở khu vực phía ĐÔNG của Đại thái cực (tức căn nhà), chỗ đó có Hướng tinh 8 là Sinh khí trong vận 7, vượng khí trong vận 8, cho nên bà vẫn mạnh khỏe. Ngược lại, phòng ngủ của người chồng phía sau nếu xét theo Tiểu thái cực thì cửa phòng nằm ở phía ĐÔNG BẮC, gặp bộ 1 – 4 đổng cung, nên đúng ra phải nổi tiếng, sức khỏe cũng khá hoặc bình thường. Nhưng nếu xét theo Đại thái cực thì nơi đó ở phía NAM căn nhà, gặp Hướng tinh Ngũ Hoàng, vì vậy nên mới mắc chứng bệnh hiểm nghèo mà qua đời như thế.
Cho nên qua trường hợp 2 phòng ngủ của nhà này có thể nhận thấy khí của Đại thái cực không những có ảnh hưởng, chi phối, mà nhiều khi còn áp đảo khí của Tiểu thái cực, khiến cho nó đang từ tốt hóa thành xấu, hoặc từ xấu hóa thành tốt…, tùy theo chúng là sinh vượng hay suy tử, ngũ hành của chúng là sinh, khắc hay bình hòa với nhau, cũng như lối thiết kế và xử dụng của căn nhà. Và chỉ nội điều này cũng cho thấy sự tinh vi, linh hoạt, ảo diệu của Huyền không Phi tinh, chứ không cứng nhắc như các phái Bát trạch, Loan đầu, Đại quái (theo quẻ Dịch)…, chỉ bám cứng theo 1 phương thức hay đồ hình để xếp đặt hoặc suy đoán. Còn về sự phối hợp giữa vận khí của Đại thái cực và Tiểu thái cực thì khi nào có dịp tôi sẽ viết tỉ mỉ và rõ ràng hơn.
H: Có người cho rằng vì cụ Tri Tri theo Bát trạch, nên khi cụ tính vị trí cửa phòng theo Đại thái cực thì đó cũng là cách tính vị trí cửa phòng ngủ của phái Bát trạch. Điều này có đúng không?
TL: Hoàn toàn sai, vì phái Bát trạch (cũng như mọi phái Phong thủy khác) cũng đều dùng tâm phòng để tính vị trí cửa phòng và mọi khu vực khác trong phòng. Cho nên khi tôi thấy cụ dùng Đại thái cực để xét sự tốt, xấu của cửa phòng ngủ thì tôi nghĩ đây là 1 phương pháp mới lạ. Kế đó tôi đọc kỹ lại “Trạch vận Tân án” thì cũng thấy có người đã dùng phương pháp đó từ lâu, như trong các trường hợp “PHƯỜNG NHUỘM ĐỚI QUẢNG TÚC LIÊN TỤC PHÁT TRIỂN” (trang 199); “VẬN SỐ NHÀ HỌ VINH” (trang 378), hay “SỰ HUNG HIỂM CỦA KHÁCH TINH TỨ – CỬU” (trang 384 – 385)… mà nếu đọc kỹ cũng đều thấy họ dùng vận khí của Đại thái cực để xét đoán sự tốt, xấu của cửa phòng ngủ, chứ không dùng đến Tiểu thái cực. Cho nên từ đó tôi theo phương pháp này, dùng Đại thái cực là chính, còn Tiểu thái cực chỉ là để phụ họa, thêm bớt 1 phần nào mà thôi. Nếu Tiểu thái cực thật tốt, nhưng gặp Đại thái cực thật xấu thì vẫn xấu. Ngược lại, nếu Tiểu thái cực thật xấu, nhưng Đại thái cực lại rất tốt thì phòng đó cũng vẫn tốt. Ngoài ra, cũng cần đề ý đến sự sinh, khắc hay tương hòa, tương hợp của Phi tinh giữa Đại và Tiểu thái cực, cũng như lối thiết kế và xử dụng của căn nhà mà gia, giảm thì việc luận đoán mới tinh vi và chính xác hơn, chứ không nên áp dụng 1 công thức (hay đồ hình) cứng nhắc như mọi phái Phong thủy khác.
Theo thầy Bình Nguyên Quân