TẠI SAO NÓI CON HƠN CHA LÀ NHÀ CÓ PHÚC

TẠI SAO NÓI CON HƠN CHA LÀ NHÀ CÓ PHÚC

Mỗi câu tục ngữ là một triết lý sâu sắc, một bài học quý báu mà ông cha ta – những thế hệ đi trước muốn nhắn gửi đến thế hệ đi sau. Và câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” cũng không phải là một ngoại lệ. Đây chính là lời dạy mà thế hệ đi trước muốn gửi tới lớp người đi sau.

Giống như những câu tục ngữ khác, câu tục ngữ này cũng ẩn chứa hai lớp nghĩa: lớp nghĩa đen và lớp nghĩa bóng. Lớp nghĩa đen là lớp nghĩa mà người đọc, người nghe dễ dàng nhận ra qua những từ ngữ, còn lớp nghĩa bóng là lớp nghĩa mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, buộc người đọc người nghe phải suy luận mới hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ.

Từ định nghĩa trên, ta dễ dàng nhận ra nghĩa đen của câu tục ngữ là trong một gia đình nếu con cái mà thành đạt hơn cha của mình thì gia đình đó được xem là một gia đình “có phúc”, tức là có tài lộc và may mắn. Nhưng về lớp nghĩa bóng của câu tục ngữ thì không bó hẹp trong phạm vi một gia đình, không chỉ đơn thuần là giữa mối quan hệ cha con mà nó mở rộng ra trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mối quan hệ đã được phát triển thành mối quan hệ giữa cả một thế hệ người đi trước và lớp người đi sau.

Từ sự phân tích trên ta có thể hiểu nghĩa bóng của câu tục ngữ muốn nói về lớp người đi sau không chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ kế tục, gìn giữ những thành quả, những kinh nghiệm quý báu của ông cha ta là những thế hệ đi trước mà còn phải phát triển hơn những thành quả ấy, nếu được như vậy thì đất nước mới thực sự phồn thịnh, giàu đẹp. Câu tục ngữ đưa ra một lời nhắn nhủ hay đúng hơn là một lời dạy với thế hệ trẻ – thế hệ được coi là tài năng, giàu sức sáng tạo, chủ nhân tương lai của đất nước, hãy cố gắng học tập và rèn luyện, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.