NGŨ HÀNH PHẢN KHẮC

NGŨ HÀNH PHẢN KHẮC:
Khác với quy luật phản sinh, Ngũ hành phản khắc là khi 1 hành bị khắc, nhưng do lực của nó qúa lớn, khiến cho hành khắc nó đã không thể khắc được mà lại còn bị thương tổn, gây nên sự phản khắc.
Nguyên lý của Ngũ hành phản khắc là:
– Kim khắc được Mộc, nhưng Mộc cứng thì Kim bị gãy.
– Mộc khắc được Thổ, nhưng Thổ nhiều thì Mộc bị gầy yếu.
– Thổ khắc được Thủy, nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị trôi dạt.
– Thủy khắc được Hỏa, nhưng Hỏa nhiều thì Thủy phải cạn.
– Hỏa khắc được Kim, nhưng Kim nhiều thì Hỏa sẽ tàn lụi.
Cho nên trong sự tương tác giữa Ngũ hành với nhau, không chỉ đơn thuần là tương sinh hay tương khắc, mà còn có những trường hợp phản sinh, phản khắc sẽ xảy ra nữa. Biết hết được những điều này thì sự ứng dụng về nguyên lý Ngũ hành mới đạt được đến trình độ tinh xảo. Chẳng hạn như theo nguyên lý tương khắc, nếu nhà bị sát khí thuộc hành Hỏa thì dùng Thủy để chế ngự nó (vì Thủy khắc Hỏa). Nhưng nếu đã biết được nguyên lý Phản khắc thì sẽ thấy được là gặp lúc Hỏa khí quá cường vượng (như vào mùa hè, hoặc những năm BÍNH – ĐINH, TỴ – NGỌ…) thì nhiều khi Thủy vẫn không chế nổi Hỏa, mà còn gặp tai họa nữa là đàng khác. Chính vì vậy nên trong Phong thủy mới hay dùng nguyên lý “Chế không bằng Hóa”, tức là dùng hành mà sát khí phải sinh để hạ bớt mức độ tác hại của nó. Như trường hợp nhà bị sát khí thuộc hành Hỏa thì lấy Thổ để buộc Hỏa phải sinh Thổ, chứ không dùng Thủy để khắc Hỏa bao giờ. Có như vậy thì vào những lúc Hỏa trở nên cường vượng thì cũng vẫn bị Thổ làm cho suy yếu, chứ sẽ không xảy ra tình trạng Phản khắc mà gây ra tai họa.
Mặt khác, nếu đã biết nguyên lý Phản sinh, Phản khắc thì sẽ thấy khi muốn hóa giải sát khí trong Phong thủy thì cũng phải dùng những vật khí đủ lớn thì mới hóa giải được. Vì nếu vật khí Phong thủy nhỏ quá mà dùng cách “CHẾ” thì sẽ không đủ sức khắc phục được hung khí, nếu dùng cách “HÓA” thì sẽ bị sát khí vùi lấp mất mà biến thành vô dụng.
Một thí dụ khác như trong bài trước là người thích ăn đồ ngọt nhiều quá. Vì về mùi vị thì Ngọt thuộc Thổ, nếu ăn nhiều đồ ngọt quá thì trong người sẽ tích tụ nhiều Thổ khí, nên lâu ngày Thổ quá cường vượng mà vùi lấp Kim. Mà trong cơ thể thì Phổi thuộc Kim, nên nếu Thổ trong người quá cường vượng thì sẽ làm cho Phổi bị suy yếu và hay bị bệnh về đường hô hấp, nhất là những bệnh suyễn hoặc nghẹt thở, khó thở… (vì Kim bị Thổ vùi lấp).
Đó là 1 trong những lý do tại sao con người trong thời đại hiện nay thường hay bị những bệnh về dị ứng (allergy), với mức độ ăn uống, tiêu thụ những đồ ngọt (đường) nhiều quá. Ngoài ra, cũng còn do hít phải những khí phế thải của khói xe, nhà máy…tức những Hỏa khí được thải ra sau quá trình thiêu hủy và tiêu thụ năng lượng, khiến cho Phổi càng bị suy yếu (Hỏa khắc Kim) mà làm cho những bệnh về đường hô hấp lan tràn khắp nơi.