BÀN VỀ BÁT SÁT

BÀN VỀ BÁT SÁT

Nguồn gốc của Bát sát là từ môn bói Bốc Phệ (tức quẻ Dịch), rồi được miễn cưỡng áp đặt vào phương pháp ứng dụng của Bát trạch. Lý do vì những nguyên lý của Bát trạch cái gì cũng chỉ có 8. Mà Bát sát cũng là 8 trường hợp phạm hung sát nên được gộp chung vào.

Nguyên lý của Bát sát là dựa vào khẩu quyết trong “Bát diệu sát quyết” như sau:

“Khảm – Long, Khôn – Thố, Chấn sơn Hầu,

Tốn – Kê, Càn – Mã, Đoài Xà đầu,

Cấn – Hổ, Ly – Trư vi sát diệu,

Mộ, trạch phùng chi nhất thời hưu”

Tạm dịch là:

“Khảm gặp rồng (Thìn), Khôn gặp thỏ (Mão), Chấn gặp khỉ (Thân), Tốn gặp gà (Dậu), Càn gặp ngựa (Ngọ), Đoài gặp rắn (Tỵ).

Cấn gặp hổ (Dần), Ly gặp lợn (Hợi) đều là gặp hung sát, Nếu phần mộ hay nhà cửa gặp phải sẽ tận số”.

Từ đó, người ta mới đem ứng dụng vào trong Phong thủy, nhất là trong Bát trạch.

Nhưng nếu đối chiếu Bát sát với Bát san của Trạch quái thì thấy như sau:

– Nhà tọa KHẢM có cửa tại phương THÌN (Sinh khí).

– Nhà tọa KHÔN có cửa tại cung MÃO (Họa hại).

– Nhà tọa CHẤN có cửa tại cung THÂN (Họa hại).

– Nhà tọa TỐN có cửa tại cung DẬU (Lục sát).

– Nhà tọa CÀN có cửa tại cung NGỌ (Tuyệt mạng)

– Nhà tọa ĐOÀI có cửa tại cung TỴ (Lục sát).

– Nhà tọa CẤN có cửa tại cung DẦN (Phục vi).

– Nhà tọa LY có cửa tại cung HỢI (Tuyệt mạng).

Cho nên chẳng những là tại những phương vị có sao tốt cũng không được đặt cửa (như nhà tọa KHẢM có cửa tại THÌN là Sinh khí, lại đồng hành Mộc giữa cung và sao là thế tốt nhất của sao này), mà nếu xem xét kỹ sẽ còn thấy những mâu thuẫn khác. Đó là vấn đề phương vị cửa thì chỉ lấy tại 1 cung, nhưng hướng nhà vẫn gộp lại thành 1 quẻ (tức 1 Hướng của Bát quái hoặc 3 cung).

Thí dụ: khi nói nhà tọa CẤN, tức là tất cả những nhà có tọa thuộc các cung SỬU, CẤN hay DẦN đều bị cửa thuộc cung DẦN khắc. Nhưng như đã nói ngay từ đầu, tuy SỬU

– CẤN – DẦN đều thuộc hướng ĐÔNG BẮC (tức quẻ CẤN theo Bát quái), nhưng mỗi hướng đều có Ngũ hành khác biệt: SỬU – CẤN thuộc Thổ, còn DẦN thuộc Mộc. Nếu cho rằng nhà tọa thuộc các cung SỬU – CẤN mà có cửa tại DẦN là bị cửa khắc thì nghe cũng còn có lý. Nhưng nếu nhà tọa DẦN cũng có cửa tại DẦN thì làm sao có thể gọi là khắc được?

Nếu lý luận cho rằng tọa của căn nhà tuy nằm trong 1 cung, nhưng cung đó đã thuộc về hướng nào thì sẽ bị Ngũ hành của hướng đó ảnh hưởng, chi phối. Chẳng hạn như những nhà có tọa thuộc các cung SỬU, CẤN, DẦN tuy mỗi cung đều có 1 Ngũ hành riêng biệt, như SỬU, CẤN thuộc hành Thổ, DẦN thuộc hành Mộc. Nhưng vì cả 3 cung đó đều thuộc khu vực ĐÔNG BẮC (CẤN), nên đều mang Ngũ hành của khu vực đó là Thổ. Vì vậy nếu gặp cửa nằm ở phương vị mang hành Mộc (phương DẦN) thì sẽ bị cửa khắc. Nhưng như đã nói vì cung DẦN cũng nằm trong hướng CẤN, tức là cũng đã đồng hành Thổ với 2 cung kia, nên làm sao còn có sự xung khắc?

Cho nên nếu tách rời Ngũ hành của từng cung thì lúc đó mới có thể nói cửa khắc tọa (hay trạch), như nhà tọa SỬU – CẤN mà có cửa ở cung DẦN. Nhưng lại gặp mâu thuẫn là nhà tọa DẦN, có cửa cũng nằm tại cung DẦN thì không thể nói cửa khắc trạch được.

Một điều khác là nếu áp dụng biện pháp tách rời Ngũ hành của mỗi cung thì chẳng hạn như nguyên lý “nhà tọa TỐN có cửa tại DẬU” là bị Sát. Nhưng TỐN có 3 cung là THÌN hành Thổ, TỐN hành Mộc, TỴ hành Hỏa. Thế thì DẬU – Kim chỉ có thể khắc được TỐN – Mộc, chứ không thể khắc được TỴ – Hỏa. Còn THÌN là thế tương sinh nên làm sao có thể gọi là Sát?

Mặt khác, nếu so sánh với việc an hệ thống sao Phúc đức thì thấy:

– Nhà tọa KHẢM thì Cô quả – Bát sát đều tại THÌN.

– Nhà tọa KHÔN thì Tấn tài – Bát sát cùng ở MÃO.

– Nhà tọa CHẤN thì Thiếu vong – Bát sát cùng ở THÂN.

– Nhà tọa TỐN thì Thần hôn – Bát sát cùng ở DẬU.

– Nhà tọa CÀN thì Tấn tài – Bát sát cùng ở NGỌ.

– Nhà tọa ĐOÀI thì Phúc đức– Bát sát cùng ở TỴ.

– Nhà tọa CẤN thì Phúc đức – Bát sát cùng ở DẦN.

– Nhà tọa LY thì Thiếu vong – Bát sát cùng ở HỢI.

Cho nên ngoại trừ 3 trường hợp nhà tọa KHẢM, CHẤN, LY, còn trong các trường hợp khác đều có những sao tốt của hệ Phúc đức đóng cùng với Bát sát. Tức là trong nguyên lý của Bát trạch có nhiều mâu thuẫn, mỗi người nghĩ 1 đầu, làm 1 kiểu, tạo thành cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không có 1 thứ tự hoặc quy củ gì cả.

Ngoài ra, vì yếu quyết của Bát sát cũng quá cứng nhắc, cho nên nếu áp dụng thì nhiều khi sẽ bỏ mất “Thành môn”, là 1 yếu tố quan trọng của Phong thủy để giúp cho nhà cửa được hưng vượng lâu dài như những trường hợp sau:

– Nhà tọa KHẢM có Bát sát tại THÌN, nhưng KHẢM bao gồm 3 cung NHÂM – TÝ – QUÝ, trong đó nếu là nhà tọa NHÂM thì THÌN sẽ là “Thành môn” của nhà này. Cho nên nếu chỉ khư khư theo Bát sát thì sẽ bỏ mà không dùng cửa, hoặc cho nước chảy ở THÌN thì sẽ là 1 sai lầm đáng tiếc.

– Nhà tọa KHÔN thì Bát sát tại MÃO, nhưng KHÔN bao gồm 3 cung MÙI – KHÔN – THÂN, trong đó nhà tọa cung KHÔN thì MÃO là “Thành môn”.

– Nhà tọa CHẤN thì Bát sát tại THÂN, nhưng CHẤN bao gồm 3 cung GIÁP – MÃO – ẤT, trong đó nếu nhà tọa ẤT thì THÂN sẽ là “Thành môn”.

– Nhà tọa TỐN thì Bát sát ở DẬU, nhưng TỐN bao gồm 3 cung THÌN – TỐN – TỴ, trong đó nếu nhà tọa cung TỐN thì DẬU sẽ là “Thành môn”.

– Nhà tọa CÀN thì Bát sát ở NGỌ, nhưng CÀN bao gồm 3 cung TUẤT – CÀN – HỢI, trong đó nhà tọa cung CÀN thì NGỌ sẽ là “Thành môn”.

– Nhà tọa ĐOÀI thì Bát sát ở TỴ, nhưng ĐOÀI bao gồm 3 cung CANH, DẬU, TÂN, trong đó nhà tọa TÂN thì TỴ là “Thành môn”.

– Nhà tọa LY thì Bát sát ở HỢI, nhưng LY bao gồm 3 cung 3 cung BÍNH – NGỌ – ĐINH, trong đó nhà tọa ĐINH thì HỢI là “Thành môn”.

Chỉ riêng trường hợp nhà tọa CẤN là không bị những trường hợp kể trên, nhưng lại vướng những vấn đề khác như đã nói. Cho nên, nguyên lý về Bát sát chất chứa nhiều sai lầm, và người học Phong thủy cần suy xét cẩn thận trước khi áp dụng. Còn về “Thành môn” và tầm quan trọng của nó thì sẽ được khảo sát kỹ lưỡng trong lý thuyết của Huyền không phi tinh.