ÁO MẶC SAO QUA KHỎI ĐẦU NGHĨA LÀ GÌ

ÁO MẶC SAO QUA KHỎI ĐẦU NGHĨA LÀ GÌ

Có lẽ trong chúng ta, rất nhiều người đã từng ít nhất một lần được nghe câu tục ngữ này. Một câu nói quen thuộc và gợi lên không ít tâm tư của người nghe. Thuở đời xưa đến nay, con cái luôn chữ hiếu là đầu, ngoan ngoãn nghe theo lời dạy của cha mẹ mới phải. Thế nhưng, có những nỗi niềm chỉ riêng người trong cuộc mới hiểu hết được.

“Áo mặc sao qua khỏi đầu”

Câu tục ngữ này hiển nhiên đã có tự bao giờ mà không ai biết được. Giải thích một chút cho nhiều bạn còn thắc mắc “Áo mặc có thể trùm qua đầu mà”. Thật ra thời xưa, ông bà ta không có dạng áo thun như mình bây giờ, áo khoác trùm đầu lại càng không. Lúc ấy, chỉ có áo cài nút, muốn mặc thì cứ đưa hai tay vào trước rồi cài lại chỉnh tề. Thế nên, người xưa mới dùng câu tục ngữ “Áo mặc sao qua khỏi đầu” để thay lời nhắn nhủ.

“Áo mặc sao qua khỏi đầu”

Chiếc áo mặc không bao giờ có thể qua đầu cũng như con cái không thể cãi lại ý của cha mẹ. Xưa nay, “hiếu” luôn đứng hàng đầu trong suy nghĩ của chuẩn mực con người. Người không biết hiếu đạo chính là trái với lẽ trời, đáng bị lên án và vứt bỏ. Phận làm con thì nghe theo lời của cha mẹ là điều hiển nhiên, dù đúng hay sai nhưng cứ cãi lại là có tội.

 

Ngày ấy nào có giống chúng ta bây giờ, được tự do ngôn luận, được bày tỏ ý kiến của mình với bậc trưởng bối. Đã sinh ra phận làm con thì nhất nhất nghe lời là điều phải làm, không được ca thán. Từ chuyện trong nhà, ngoài ngõ cho đến hôn nhân đại sự của cả một đời thì cha mẹ cũng sẽ là người quyết định. Vậy nên, người ta cũng đã quen dần với cái ý niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” rồi.

Phận làm con đâu dám sai lời

Có lẽ rằng, cái suy nghĩ “Áo mặc sao qua khỏi đầu” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam ta và dù đến nay cũng khó thể thay đổi. Chúng ta không bàn luận đúng sai ở đây, chúng ta chỉ có thể nhẹ nhàng phân tích theo ý của mình. Về tình lẫn về lý, nghe theo lời dạy của cha mẹ là không sai. Thế nhưng, nghe mà không biết phán đoán, cứ cắm cúi làm theo thì có nên không?

Cái thuở xưa, tình yêu chính là điều khiến người ta đau khổ nhất. Có rất nhiều người có tình nhưng chẳng nên duyên giai ngẫu, người có tình mà phải cam đành xa nhau. Yêu nhau là một chuyện nhưng có đến với nhau không thì chẳng phải do mình quyết định nữa rồi. Tất cả bao gồm hạnh phúc cả đời, cha mẹ cũng là người quyết định. Họ bảo cưới người mà bạn không thích, bạn cũng chỉ có một con đường là vâng lời. Hiếm có cặp đôi nào chống lại uy quyền đó, vì tội bất hiếu xưa nay có mấy ai gánh nổi đâu.

Đã là “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, đã là con sao dám trái lời cha mẹ dạy. Mọi chuyện phải nhất mực nghe theo, dù cho trong lòng không cam nhưng cũng đành chấp nhận. Bởi lẽ, chúng ta có chọn được cha mẹ sinh ra mình đâu.

Thời nay, áo mặc đã qua được đầu!

Một ngày nắng nhạt và hoàng hôn sắp sửa buông xuống tận đỉnh đầu, chị tôi thất thiểu trở về nhà với đôi mắt ráo hoảnh và vô hồn. Chị sẽ cứ chịu đựng như thế nếu tôi không lay khẽ “Chị ơi!”. Lúc con người ta yếu đuối nhất, một lời quan tâm của đủ ấm lòng.

“Áo mặc sao qua khỏi đầu”

Chị và anh yêu nhau vào năm hai đại học, tình cảm gắn bó và hứa hẹn trọn đời. Chị thì gái sắc còn anh trai tài, hai người sinh ra như để dành cho nhau. Anh hiền lành, tử tế và rất được lòng ba mẹ tôi. Tưởng đâu đã tính chuyện trọn đời nhưng ngày anh dẫn chị về ra mắt, bầu trời đột nhiên nổi gió.Hai hôm sau, chị nhận câu chia tay từ anh. Ba mẹ anh không chấp nhận con dâu là gái tỉnh lẻ, không môn đăng hộ đối.

Chị khóc và anh cũng khóc, chị chất vấn nhưng anh chỉ đáp trả bằng ánh mắt đầy vẻ bất lực. Anh bảo “Áo mặc sao qua khỏi đầu hả em”. Thời đại nào rồi mà có người còn mang tư tưởng xưa cũ như thế. Chị thôi không ầm ĩ nữa vì chị biết rằng anh rất có hiếu. Nếu ba mẹ không ưng thì anh sẽ chẳng đấu tranh cho mối tình này đâu. Cũng là câu nói được nghe bao lần, nhưng sau bây giờ từ miệng anh thốt ra nghe chua chát đến lạ. Ừ thì “Áo mặc sao qua khỏi đầu”.

Liệu thời nay đã khác?

Nhiều người bông đùa “Thời nay áo mặc đã qua được đầu rồi’, vậy ra ý nghĩa răn dạy cũng bị thay đổi đôi chút. Tôi nghĩ biết hiếu thuận là chuyện tốt nhưng nhất nhất nghe theo lời cha mẹ thì chưa hẳn. Bởi con người ai cũng có lúc sai lầm, cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và chúng ta cần kéo họ ra khỏi những lúc như thế.

 

Những chuyện nhỏ thì không nói, bạn thậm chí có thể nhắm mắt làm theo để chiều lòng cha mẹ nhưng những chuyện trọng đại, có ảnh hưởng lớn thì không được. Ngoài tham khảo ý kiến của cha mẹ, chúng ta còn phải tự phán đoán và đưa ra quyết định phù hợp với từng chuyện. Nhất là chuyện hạnh phúc cả đời người, đâu tùy tiện được. Nếu là hạnh phúc của bạn, bạn có quyền được định đoạt.

Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của cha mẹ và lắng nghe suy nghĩ của họ. Ngược lại, bạn cần giải thích để họ hiểu bạn cần và muốn gì. Sau tất cả, bạn phân tích kỹ lưỡng và chọn con đường cha mình. Nói thế nào đi nữa, cha mẹ cũng chỉ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta thôi. Có thể hôm nay họ không hiểu bạn nhưng nếu bạn chịu khó trình bày, có ngày họ cũng hiểu mà thôi.

Lời kết

Dù ở thời đại nào, chữ hiếu cũng nên được đặt lên hàng đầu. Nhưng chữ hiếu ở đây không có nghĩa là chuyện gì cũng một mực nghe theo lời cha mẹ. Bản thân bạn phải biết tự suy xét và quyết định mọi chuyện để tránh phải hối hận trong sự muộn màng đáng tiếc…