Sự thật là covid không thoáng qua như năm ngoái, nó sẽ kéo dài đến cuối năm, mỗi tuần trôi qua nó lại bào mòn đi kinh tế nhà đầu tư, nếu nói sụp đổ thì ko, bds giá trị thật vẫn oke, gần trung tâm còn dự án hình thành trong tương lai hay đánh bắt xa bờ thì tương lai ko có ji là tốt đẹp hết.
Cắt lỗ mạnh vẫn không có khách hỏi mua
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 1,5 năm vừa qua đã khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng lâm vào tình cảnh bết bát chưa từng xảy ra. Sau hơn 1 năm gồng lỗ, chờ đợi nhiều nhà đầu tư không thể chờ đợi thêm đã phải bán tháo bất động sản.
Hiện, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán căn hộ condotel với giá thấp, thậm chí cắt lỗ sâu. Một số nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn đến vài trăm triệu nhưng cũng không có khác hỏi mua. Tình trạng rao bán cắt lỗ bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra ở tất cả các thị trường nghỉ dưỡng từ những khu vực mới phát triển vài năm gần đây như Quy Nhơn, Ninh Thuận, Phan Thiết…cho đến các khu vực trọng điểm về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam)…
“Cái khó lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là tiền chôn hết vào tài sản chết. Nhà đã nhận căn hộ condotel rồi nhưng cả năm không thể kinh doanh, trong khi đó tiền lãi từ khoản vay ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả. Nhưng giờ chấp nhận bán giá thấp để lo xoay xở cũng không phải dễ. Ôm căn hộ condotel lúc này chẳng khác nào đang ngồi ôm “bom nổ chậm” mà bó tay, không có giải pháp tháo gỡ”, chị Mai một chủ căn hộ condotel ở Đà Nẵng chia sẻ.
Không chỉ BĐS nghỉ dưỡng, thị trường đất nền những nơi từng sốt ảo trong cơn sốt đất lan rộng hồi đầu năm đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch covid-19 lần thứ 4, giá đất sụt giảm, hiện tượng cắt lỗ xuất hiện.
Một nhà đầu tư tại Thanh Hoá, cho biết anh mua đất nền ở Quảng Xương lúc sốt, cộng thêm việc vay ngân hàng để lướt sóng nhưng nay dịch covid-19 kéo dài đã khiến kế hoạch của anh bị đảo lộn. Vì thế anh đã quyết định cắt lỗ lô đất mình 100 triệu so với giá gốc nhưng rao bán cả tháng nay vẫn không có khách mua. Nhằm thoát khỏi áp lực lãi vay, anh dự định tiếp tục cắt lỗ thêm 200 triệu để mong có khách hỏi.
Một môi giới khác tại Bắc Giang cũng cho biết dịch bệnh quá phức tạp đã khiến thị trường trầm lắng kéo dài, sức mua giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư ban đầu cầm cự, kì vọng dịch sớm được kiểm soát, thị trường quay lại nhịp cũ để thoát hàng nhưng dịch bệnh kéo dài hơn dự tính khiến những nhà đầu tư “lướt sóng”, phụ thuộc lãi vay đang khốn đốn.
Cũng theo người này, phần lớn các nhà đầu tư mua đất trong cơn sốt, giá bị đẩy lên cao nên khi cơn sốt qua đi, giá dần tụt về mức giá trị thực và lại gặp đúng cảnh dịch bệnh nên giá tiếp tục giảm mà không có thanh khoản. Theo đó, ngay cả những nhà đầu tư sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi cũng sẽ khốn đốn khi cơn sốt đã qua và dịch bệnh kéo dài bởi dù giảm giá họ cũng khó bán được hàng.
Bất động sản cuối năm lộ diện những kịch bản khó khăn nhất
Công ty Bất động sản Colliers nhận định, thị trường sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021. Đối với doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án. Trong khi các chủ đầu tư cũng không vội mở bán các dự án mới. Dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản sẽ giảm mạnh thời gian tới.
Cùng quan điểm với Colliers, nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản cũng đã đưa ra hai kịch bản đối với thị trường BĐS cuối năm. Kịch bản thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch COVID-19 nhưng dù ở kịch bản nào thì thị trường sẽ không xuất hiện tình trạng nóng sốt như những dự báo trước đây.
Ở kịch bản thứ nhất nếu việc tiêm vaccine được triển khai rộng và có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh vào quý IV thì thị trường có thể âm thầm hoạt động trở lại chứ không sôi động như các năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó sức mua của người dân và nhà đầu tư cũng sẽ giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: “Do ảnh hưởng Covid-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Chính vì thế, nguồn cầu thật cho thị trường bị giảm sút mạnh. Mặt khác, giới đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn khi chọn sản phẩm tốt nên thị trường sẽ có những mảng sáng tối khác nhau ở các phân khúc.
“Chỉ những căn hộ, nhà phố hay đất nền ở những vị trí có giá trị, có tính sử dụng thì mới có nhiều người quan tâm. Còn những sản phẩm ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng chưa hoàn thiện, trừ khi người bán giảm giá nhiều mới có khách mua”, ông Đính cho biết.
Kịch bản thứ hai cũng đang được các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm nay thì BĐS sẽ gặp phải những khó khăn khiến thị trường nhiều nguy cơ xấu xảy ra, kịch bản khủng hoảng có thể được nhắc đến. Nguyên nhân bởi nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nền kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn vốn tái đầu tư cho bất động sản sẽ giảm mạnh, lượng cầu và cung đều giảm khiến thị trường bất động sản giảm giá mạnh do hiện tượng bán tháo từ những nhà đầu tư bị áp lực dòng tiền, lãi vay…
“Thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn, khó hơn cả năm 2020. Nửa cuối năm sẽ có tình trạng bán tháo cắt lỗ nhà, đất xảy ra. Lý do là nhà đầu tư Việt Nam thường không có thói quen dự phòng rủi ro, hầu như nhà, đất nào họ mua cũng đều vay ngân hàng. Nhà đầu tư cá nhân nếu có 100 tỉ đồng thì họ sẽ mua BĐS giá trị tới 300 tỉ đồng, đi vay 200 tỉ đồng. Vì vậy, khi làm ăn không thuận lợi, họ buộc phải bán ra để giảm áp lực nợ vay”, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định trên truyền thông.
Nếu kịch bản thứ 2 xảy ra, nhà đầu tư thứ cấp không thể thanh khoản và thoát hàng khiến thị trường rơi vào trạng thái trì trệ, thậm chí có thể dẫn đến đóng băng. Nếu kịch bản xấu này xảy ra, chúng ta phải mất một thời gian rất dài để có thể đưa thị trường trở lại ổn định, chứ chưa nói đến sôi động.
Nam Anh
Theo Nhịp sống kinh tế