TAM SÁT LÀ GÌ -HÓA GIẢI TAM SÁT ĐẾN TỌA

TAM SÁT LÀ GÌ -HÓA GIẢI TAM SÁT ĐẾN TỌA
Sách “Vĩnh cát thông thư” viết:”Tam Sát là SÁT trong Tam hợp Thái Tuế, mỗi năm chiếm 3 phương Tuyệt – Thai – Dưỡng”. Lý do vì trong 12 Địa Chi lại hình thành 4 Tam hợp cục như sau:
– THÂN – TÝ – THÌN hợp với nhau thành Thủy cục.
– DẦN – NGỌ – TUẤT hợp với nhau thành Hỏa cục.
– TỴ – DẬU – SỬU hợp với nhau thành Kim cục.
– HỢI – MÃO – MÙI hợp với nhau thành Mộc cục.
Cho nên trong 1 năm, nếu Thái Tuế đến khu vực nào thì sẽ hợp với 2 phương theo thế hình Tam giác mà tạo thành Tam hợp Thái Tuế, cũng như tăng thêm sức mạnh (hoặc Dương khí) cho các cục Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Chẳng hạn như năm TÝ thì Thái Tuế đến phương TÝ, rồi lại hợp với 2 phương THÂN và THÌN để tạo thành Tam hợp THÂN – TÝ – THÌN. Rồi qua năm SỬU thì Thái Tuế đến phương SỬU, hợp với 2 phương TỴ và DẬU tạo thành Tam hợp Thái Tuế TỴ – DẬU – SỬU… như hình Hình 9.
Trong 4 Tam hợp cục đó đều có quá trình hình thành, tăng trưởng, suy thoái và hủy diệt theo vòng TRÀNG SINH như bảng dưới.
Cho nên:
– Trong Tam hợp Thủy cục THÂN – TÝ – THÌN thì 3 phương TỴ – NGỌ – MÙI (tức TUYỆT – THAI – DƯỠNG) là Tam sát.
– Trong Tam hợp Hỏa cục DẦN – NGỌ – TUẤT thì 3 phương HỢI – TÝ – SỬU là Tam Sát.
– Trong Tam hợp Kim cục TỴ – DẬU – SỬU thì 3 phương DẦN – MÃO – THÌN là Tam Sát.
– Trong Tam hợp Mộc cục HỢI – MÃO – MÙI thì 3 phương THÂN – DẬU – TUẤT là Tam Sát.
Do đó:
– Vào các năm THÂN – TÝ – THÌN Tam Sát tại 3 phương TỴ – NGỌ – MÙI phía NAM.
– Các năm DẦN – NGỌ – TUẤT Tam Sát tại 3 phương HỢI – TÝ – SỬU phía BẮC.
– Các năm TỴ – DẬU – SỬU Tam Sát tại 3 phương DẦN – MÃO – THÌN phía ĐÔNG.
– Các năm HỢI – MÃO – MÙI Tam Sát tại 3 phương THÂN – DẬU – TUẤT phía TÂY.
Tam Sát sở dĩ xấu là vì luôn luôn đứng ở thế đối nghịch với Tam hợp Thái Tuế. Như đã nói ở phần trên, trong mỗi Tam hợp cục đều hình thành 2 khí ÂM – DƯƠNG. Chẳng hạn như Tam hợp Hỏa cục DẦN – NGỌ – TUẤT thì Hỏa phát sinh ở DẦN, cực vượng ở NGỌ, suy tàn ở TUẤT. Cho nên khi Hỏa đạt đến giai đoạn cực vượng ở NGỌ, tức là Hỏa khí và DƯƠNG đều đã hội tụ hết về đó, khiến cho khu vực đối diện với nó (HỢI – TÝ – SỬU) chỉ còn toàn âm khí, cũng như khí đối nghịch với nó (tức Thủy khí). Do đó, tạo nên 1 sự đối chọi, xung khắc rất kịch liệt giữa 2 khí ÂM – DƯƠNG, Thủy – Hỏa. Vào những năm mà Tam hợp DẦN – NGỌ – TUẤT có Thái Tuế đến hội nhập (tức những năm DẦN, NGỌ, hay TUẤT), Dương khí lại càng được Thái Tuế thu hút hết về đó, khiến cho khu vực đối diện đã ÂM lại càng thêm ÂM, đã vô khí lại càng thêm vô khí. Vì vậy, khu vực của Tam sát là chỗ cực âm, là chúa tể của âm khí trong năm đó. Cho nên nơi có Tam Sát là chỗ biểu hiện sự chết chóc, hủy diệt, chứ không thể có sự sống. Do đó, Tam sát thường gieo rắc rất nhiều tai họa, nhưng không phải về tài lộc, hoặc công việc làm ăn, mà chủ yếu là về sức khỏe, bệnh tật hoặc hình thương (tức có tai nạn gây thương tích, đau đớn), nếu nặng sẽ có thể làm chết người. Vì vậy, khu vực có Tam Sát hàng năm cần phải được đặc biệt quan tâm và xa lánh, nhất là nếu nó lại là chỗ thường được sinh hoạt và nghỉ ngơi trong năm đó.
Thông thường, trong sách vở hay cho rằng nếu Tam Sát đến nơi đầu hướng (tức phía trước) thì không sao, còn đến phía sau mới có tai họa. Thật ra, đây cũng chỉ là 1 nguyên lý chung, nếu không hiểu rõ sẽ áp dụng 1 cách cứng nhắc hoặc máy móc, thậm chí vẫn dẫn đến tai họa. Biết rằng sự xung sát giữa Tam hợp cục (tức Tam hợp Thái Tuế) và Tam Sát là sự xung sát rất lớn, rất mạnh và quyết liệt. Nhưng trong sự xung khắc này vẫn phải chia ra bên động, bên tĩnh. Bên “động” là Tam hợp Thái Tuế (như đã nói trong phần của Thái Tuế), bên “tĩnh” là phương vị của Tam Sát. Cho nên, nếu như Tam sát đến tọa (khu vực “tĩnh”) thì Tam hợp Thái Tuế sẽ đến hướng (khu vực “động”), tức là bên “động” lại càng “động”, bên “tĩnh” sẽ càng “tĩnh”. Lực xung khắc do đó sẽ càng dữ dội hơn, nên dễ gây ra nhiều tai họa. Còn nếu Tam Sát đến hướng, thì Tam hợp Thái Tuế sẽ đến tọa. Lúc đó, cả 2 lực đối xung này đều nằm tại những khu vực trái ngược với bản chất của nó, nên lực của cả 2 bên đều bị suy giảm. Vì thế, chúng sẽ không còn xung khắc nhau quá mạnh, cho nên tai họa ít khi xảy ra, hay không quá nguy hiểm. Đây chính là lý do tại sao có nguyên lý “Tam Sát có thể ở hướng, mà không thể ở tọa” của 1 căn nhà.
Thật ra, sở dĩ Tam Sát đến tọa là 1 điều nguy hiểm vì ngày xưa, người ta thường dùng khu vực phía sau nhà làm chỗ ngủ và nghỉ ngơi. Cho nên nơi đó là khu vực “tĩnh”, có nhiều âm khí. Vì Tam sát là khu vực đối nghịch với Tam hợp Thái Tuế, nên nó là chúa tể của âm khí. Gặp năm Tam Sát đến tọa, chúa tể của âm khí lại còn gặp thêm âm khí, cho nên mới chủ gây ra nhiều tai họa lớn. Nhưng không phải cho tất cả mọi người, mà chỉ cho những người nằm tại đó (tức khu vực phía sau nhà) mà thôi. Vì khu vực này trong năm đó có âm khí quá nặng, nên nếu ai ở đó lâu (như ngủ hoặc làm việc nhiều giờ tại nơi đó thường ngày) thì dương khí trong con người sẽ không còn nữa (do bị âm khí thu hút hết). Mà dương khí là chủ của sức khỏe và sự sống. Nếu mất nó thì con người sẽ dễ bị những bệnh tật nghiêm trọng, hay những tai họa về hình thương, nếu nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cho nên, Tam Sát sở dĩ nguy hiểm vì khi nó đi tới đâu thì những nơi đó thường có âm khí rất nặng, nên mới dễ phát sinh ra tai họa, bệnh tật, chết chóc cho những ai sống tại khu vực đó trong căn nhà. Chứ không phải là nó chỉ gây tai họa khi đến phương tọa của căn nhà như nhiều người lầm tưởng. Nhất là nhiều người còn ngây ngô, chỉ dựa vào nguyên lý “Tam sát có thể đến hướng, chứ không thể đến tọa” mà bày ra phương pháp hóa giải là cứ ngồi nhìn về phía có Tam Sát (tức “hướng” có Tam Sát) là sẽ tránh được tai họa do nó gây ra!!!
Và cũng vì Tam Sát là khu vực chúa tể của Âm khí, nên ngoài vấn đề tránh sinh hoạt và ngủ tại phương này thì còn phải kiêng kỵ vấn đề động thổ, và nhất là đào giếng, hoặc hầm hố tại đó. Lý do vì trong đất cũng có rất nhiều âm khí, gặp năm Tam Sát tới khu vực đó là âm khí đã cực nặng, lại còn động thổ, đào đất, khiến cho Âm khí từ dưới đất xông lên, hợp với Âm khí của Tam sát nên nhất định sẽ có tai họa hình thương, hoặc bệnh tật nặng. Nếu động thổ quá mạnh như đào giếng, hoặc hầm hố sâu… thì có thể sẽ gây tai họa chết người. Vì vậy, một khi Tam Sát đến khu vực nào là không thể động thổ tại khu vực đó. Một điều cần nói thêm là ngày nay, với lối kiến trúc hiện đại, phương nào của căn nhà cũng có thể có phòng ngủ, từ phía trước, phía sau, đến 2 bên hông nhà, nên cần phải chú ý đến phương vị của Tam Sát. Khi thấy nó tới khu vực nào, mà nơi đó có phòng ngủ thì phải lập tức dời giường ngủ đi nơi khác. Nếu không thì người ngủ trong phòng sẽ có tai họa, bệnh tật trong năm đó. Còn NẾU DỜI PHÒNG tức là đã “tu” được Tam Sát. Vào những năm Tam Sát tới tọa, chẳng những sẽ không có tai họa gì xảy ra, mà còn phát phúc, phát lộc nữa.
– Trên là mới nói về khu vực có phòng ngủ gặp Tam Sát. Dĩ nhiên là những phòng ngủ thật sáng sủa, hoặc nằm ở bên hông hay phía trước nhà thì khi bị Tam Sát chiếu đến, tai họa sẽ nhẹ hơn những phòng ngủ ở phía sau nhà, hoặc quá u tối (vì những phòng sáng sủa, hay phía trước nhà thì sẽ có Dương khí nhiều hơn). Nhưng nếu trường hợp cửa ra, vào nhà (hay cửa phòng, cầu thang…) bị Tam Sát chiếu đến thì sẽ như thế nào? Trong sách vở hầu như không nói về vấn đề này, khiến cho đại đa số đều lầm tưởng nếu Tam Sát tới hướng, cửa ra vào, cầu thang… tức là những chỗ động thì sẽ không có chuyện gì xảy ra!!! Thật ra, người xưa đều biết được khu vực của Tam Sát là chỗ có âm khí cực nặng, nên nếu con người sống hoặc làm việc lâu tại những chỗ đó thì sẽ bị Âm khí thu hút, hoặc làm hủy hoại hết Dương khí trong người mà phát sinh tai họa về hình thương, bệnh tật, chết chóc. Nhưng đối với những khu vực có động khí nhiều như hướng nhà, cửa ra vào, cầu thang… vì được coi là có nhiều Dương khí (động, ánh sáng… đều thuộc Dương), nên đa số đều cho rằng ảnh hưởng của Tam Sát đến những khu vực này hầu như không đáng kể, vì Âm khí của nó đã được Dương khí trung hòa hoặc hóa giải. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những nhà có hướng và cửa thật trống, thoáng, cũng như nhận được nhiều ánh sáng. Còn nếu phía trước nhà chật hẹp, hoặc bị cây cối, hay nhà cao che khuất thì cũng vẫn bị tai họa, ít ra là đau yếu, bệnh tật mỗi khi bị Tam sát chiếu tới hướng.
Riêng với những khu vực như cầu thang, cửa phòng… tuy cũng có động khí, nhưng vẫn chưa đủ để hóa giải được hết Âm khí của Tam Sát. Vì vậy, gặp năm Tam Sát chiếu đến những khu vực này, người trong nhà (hay ngủ trong phòng đó) thường dễ gặp chuyện bực bội, nóng giận, cãi vã (vì Âm khí nhiều cũng chủ bất hòa, xung đột). Nếu khu vực cầu thang hay cửa phòng còn tối tăm, thiếu ánh sáng thì sẽ gây ra bệnh tật, tai nạn, thương tích cho mọi người trong nhà nữa.