VỊ TRÍ BẾP VÀ BỒN RỬA TRONG PHONG THỦY

VỊ TRÍ BẾP VÀ BỒN RỬA TRONG PHONG THỦY

H: Trong nhà ở hiện nay việc bếp gần với chậu rửa tay (rửa thực phẩm, rửa chén …) là không thể tránh khỏi. Vậy trong trường hợp trên nên giải quyết như thế nào? Bếp và vật dụng có thủy có khoảng cách bao nhiêu hay vị trí như thế nào thì được tính là không gần nhau?

TL: Trước hết, khi muốn xét đến vị trí của bếp và bồn rửa thì cần phải dựa vào trạch vận của căn nhà. Kế đó mới xem những thứ đó nằm ở khu vực nào? Và có những Sơn – Hướng tinh gì? Chúng thích hợp cho bếp hay bồn rửa? Rồi sau đó mới xét đến khoảng cách xa hay gần của chúng.

Thí dụ: nhà hướng 315 độ (tức hướng CÀN), dọn vào ở năm 2010 (tức vận 8). Trạch vận căn nhà như hình dưới.

Giả sử nhà này có bếp và bồn rửa nằm trong khu vực phía ĐÔNG, nơi đó có Sơn tinh 9 và Hướng tinh 2. Vì Sơn tinh 9 là sinh khí trong vận 8, nên đặt bếp nơi đó là được vượng nhân đinh (tức không những đông người, mà người trong nhà còn dễ thành công, có công danh, sự nghiệp, tài năng…), nhất là khi qua vận 9. Nhưng vì nơi đó lại có bồn rửa nên lại làm bại nhân đinh (do gặp cách “Long thần trên núi hạ thủy”), cho nên nhân đinh nhà này chỉ bình thường, hoặc tương đối khá mà thôi (tùy theo 1 số yếu tố khác nữa về thiết kế, sử dụng hay địa hình). Hơn nữa, vì nơi đó có Hướng tinh 2, nên còn dễ hao tài vì bệnh tật, hoặc đàn bà trong nhà hoang phí, phá tán tài sản, sự nghiệp…

Sau khi đã xác định được những tính chất đó rồi mới thấy là dù bồn rửa có nằm cách bếp bao xa đi nữa, nhưng chừng nào nó còn nằm trong khu vực phía ĐÔNG thì ảnh hưởng bại đinh, hao tài của bồn rửa vẫn tiếp tục xảy ra. Nếu nó càng nằm gần bếp, hay đối diện thẳng với bếp thì mức độ bại đinh, hao tài càng nặng. Còn nếu nó nằm càng xa bếp thì sẽ tương đối nhẹ hơn, chứ không thể hết hẳn. Muốn hết hẳn thì phải dời nó sang 1 khu vực khác, chứ không thể chỉ nói đến vấn đề khoảng cách được. Cho nên khi còn chú trọng tới “khoảng cách” là chỉ mới biết về Loan đầu, chứ chưa biết nhiều về Phi tinh.

Ngược lại, nếu nhà này có bếp và bồn rửa tại khu vực phía TÂY thì sẽ gặp Sơn tinh 5 và Hướng tinh 7. Vì Sơn tinh 5 là tử khí trong vận 8, nên nếu đặt bếp ở đó thì nhà sẽ bị tuyệt tự (không có con), hoặc nếu có con cái cũng hoang đàng, hư hỏng, hay người sống trong nhà góa bụa, cô đơn, trai, gái khó lập gia đình… (nhất là nếu những khu vực có sinh, vượng khí của Sơn tinh không có gì cứu giải). Hơn nữa, người trong nhà còn dễ mắc bệnh tật về phổi và khí huyết (do Hướng tinh 7 là Kim lại gặp bếp là bị Hỏa khắc). Trường hợp này nếu có bồn rửa chén nằm gần hoặc đối diện bếp thì sẽ giúp làm giảm bớt những tai họa về nhân đinh cũng như bệnh tật. Cho nên nếu lo ngại vấn đề bồn rửa nằm gần bếp mà dời nó ra xa, để bếp nằm riêng biệt 1 mình tại đó, hoặc dùng những cách hỗ trợ thêm cho bếp thì vô tình lại làm cho những tai họa trên càng thêm nặng.

Vì vậy, khi xem xét đến bếp và bồn rửa (hay những vật dụng có nước trong nhà bếp) thì trước hết cần đối chiếu với trạch vận, rồi tùy theo Sơn – Hướng tinh tại khu vực đó như thế nào mà xếp đặt hoặc thay đổi, biến hóa cho thích hợp. Hơn nữa, vẫn phải để ý đến thiết kế, xử dụng, địa thế của khu vực đó, cũng như của toàn căn nhà mà biết nhà đó đã có cứu giải, hoặc không thể cứu giải được. Chẳng hạn cũng với trường hợp căn nhà hướng 315 độ trên mà khu vực phía TÂY có bếp là tổn hại nhân đinh, nếu đặt nước ở đó thì có thể hóa giải bớt tai họa. Nhưng nếu nước quá nhiều thì lại phát sinh hao tán tiền của, cũng như bị tiểu nhân quấy rối, hãm hại. Nếu dời bếp và bồn rửa sang khu vực khác thì có thể hóa giải được những tai họa trên. Tuy nhiên, nếu bên ngoài nhà mà khu vực đó lại có nhà cao, lớn, hay núi, đồi, gò đất cao… thì vẫn bị nhiều tai họa về nhân đinh. Đây chính là trường hợp không thể hóa giải được, cho dù có dời bếp hay đặt thủy đi nữa. Ngược lại, nếu khu vực phía TÂY có sông, hồ, hay ngã 3, ngã 4… thì tuy nhân đinh không hề gì, nhưng lại bị tiểu nhân rình rập, hãm hại mà làm hao tốn tiền của…Kế đó, cần xem những khu vực có sinh – vượng khí của Sơn và Hướng tinh có gì mà biết những tai họa đó sẽ xảy ra ngay, hoặc trong vận đó không hề gì, tài – đinh đều tốt, và phải qua những vận khác tai họa mới bộc phát. Đó chính là sự tinh vi, ảo diệu của Huyền không Phi tinh, mà mọi phái Phong thủy khác đều không thể làm hay so sánh được.

H: Trường hợp nếu khu vực tốt mà không thể đặt bếp thì có thể thay bằng hòn non bộ được không? Nếu được thì hòn non bộ ở đây là khô ráo hoàn toàn, hay vẫn có thể tạo một vài dòng nước chảy (thêm sinh động) và kích thước hòn non bộ bao nhiêu là vừa? Có thể thay bằng tranh vẽ núi được không, và tác dụng phong thủy so với hòn non bộ và bếp như thế nào?

TL: Nếu 1 khu vực có sinh khí hay vượng khí của Sơn tinh mà không có bếp thì có thể dùng hòn non bộ thay thế. Tuy nhiên, tác dụng làm vượng nhân đinh của hòn non bộ kém xa bếp. Nếu nó càng cao lớn, nặng và vững chắc thì càng tốt, nếu nó càng nhỏ hay nhẹ, yếu, rỗng thì ảnh hưởng càng kém, vì vậy cũng không có kích thước nhất định. Riêng trường hợp hòn non bộ có nước là chỉ dành cho những khu vực có cả sinh, vượng khí của Sơn tinh và Hướng tinh. Nếu nơi đó chỉ có sinh, vượng khí của Sơn tinh mà đặt hòn non bộ có nước thì sẽ làm bại nhân đinh, hoặc làm mất hiệu quả của hòn non bộ. Còn ảnh hưởng của tranh vẽ lại càng thấp hơn, và hầu như không đáng kể. Ngoài ra, cũng cần để ý đến thiết kế của căn nhà, hay địa hình chung quanh nhà. Chẳng hạn như 1 khu vực có vượng khí của Sơn tinh, mà nơi đó lại bị khuyết lõm, tường chéo, góc nhọn… thì nhân đinh cũng sẽ bị suy bại (nếu không có những cách khác hóa giải). Hoặc nếu tại khu vực đó (nhưng bên ngoài nhà) có hồ tắm, hố sâu, sông suối… thì vẫn là cách bại đinh, cho dù nơi đó có bếp cũng không thể hóa giải được, nói gì tới hòn non bộ hoặc tranh ảnh.

Theo thầy Bình Nguyên Quân