ĐÔI ĐIỀU VỀ THƯỚC LỖ BAN
“Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”
Từ xa xưa và cả hiện nay, con người nhận thấy môi trường xung quanh ta có tác động và chi phối tới sự sống. Các tia bức xạ từ mặt trời và các vì tinh tú liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ tới quả đất. Các nhà thiên văn đã nghiên cứu các quy luật ấy để tìm hiểu mức độ và phạm vi ảnh hường, sự luân chuyển của nó để lợi dụng khai thác nó. Các nhà thiên văn đã hệ thống được hàng loạt các sự tác động từ các vì sao có liên quan, ảnh hưởng đến con ngưởi mà hiện nay loài người vẫn sử dụng. Ngoài mặt trời và chín hành tinh quay quanh nó còn có hệ nhị thập bát tú. Thực ra hệ nhị thập bát tú bao gổm một hệ thống ~183 vì sao, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh đến con người, người ta chỉ liệt kê có 28 vì sao và được chia làm 4 cụm.
Nếu xếp thuận theo chiều kim đồng hồ sẽ là:
** Cụm Bắc thất tú gồm: Bích 9độ + Thất 17độ + Nguy 16độ + Hư 9độ + Nữ 11độ + Ngu 7độ + Đẩu 21độ = 90độ
** Cụm Đông thất tú gồm: Cơ 11độ + Vĩ 20 độ + Tâm 9độ + Phòng 8độ + Đê 17 độ + Cang 11độ + Giốc 19 độ = 90độ
** Cụm Nam thất tú gồm: Chẩn 19độ + Dực 12độ + Trương 17độ + Tinh 16độ + Liễu 15độ + Quỷ 4độ +Tỉnh 7độ = 90độ
** Cụm Tây thất tú gồm: Sâm 10 độ + Chủy 3độ + Tất 17 độ + Mão 12độ + Vị 16 độ + Lâu 13 độ + Khuê 19 độ = 90độ
Nếu phân bổ chúng theo tinh độ và giới hạn ảnh hưởng của nó theo cung hướng 12 con giáp thì:
Sửu gồm: Đẩu, Ngu, Nữ………………..Mùi gồm: Tỉnh, Quỷ, Liễu
Tý gồm: Nữ, Hư, Nguy………………….Ngọ gồm: Liễu, Tinh, Trương
Hợi gồm: Nguy, Thất, Bích, Khuê…..Tỵ gồm: Trương, Dực, Chẩn
Tuất gồm: Khuê, Lâu, Vị……………….Thìn gồm: Chẩn, Giốc, Cang Đê
Dậu gồm: Vị, Mão, Tất…………………..Mão gồm: Đê, Phòng, Tâm, Vĩ
Thân gồm: Tất, Chủy, Sâm,Tỉnh……..Dần gồm: Vĩ , Cơ, Đẩu
Như vậy, thập nhị thời được chia bởi các cung bằng nhau, khi nhị thập bát tú lại không được chia bởi các cung bằng nhau, có sao nằm giữa cung này với cung kia. Hiển nhiên với phạm vi tinh độ của chúng, chúng có tác động lên các tọa độ kinh vĩ tuyến khác nhau, sẽ ở các mức độ, biên độ và tần xuất khác nhau. Cách chỉ ra sự khác nhau về mức độ, biên dộ và phạm vi ảnh hưởng trong một bối cảnh không gian thời gian khác nhau bằng cách mô tả tỷ lệ tương ứng giữa thiên xích với địa xích. Đo đất theo thước trời để xác định phạm vi ảnh hưởng của các vì sao tới các vùng đất tương ứng thì quả là một ứng dụng vô cùng kỳ diệu. Mà sự mô tả này lại là sự mô tả của vật lý cơ học, Hiện nay nó được quy theo hệ mét để có thể sờ, nắm được.
Do thích ứng với thị trường sử dụng thước, một số nhà sản xuất thước đã lợi dụng đưa vào hai loại thước song hành cùng hệ mét, một loại có số đo quy theo hệ mét là khoảng 39cm và một loại có số đo vào khoảng 43 cm. Một thời kỳ trong dân gian truyền tụng khẩu quyết sử dụng nôm na là; “đen bỏ, đỏ lấy”. vì cách chú giải là chữ hán nên dân ta không đọc được, và vì thế nhà sản xuất thước họ cải cách, họ phiên âm ra chữ việt. Đọc được những chữ đỏ sao mà nghe sướng cái lỗ tai, nở cái lỗ mũi. Nào là Quan quý, nghênh phúc – Thiên khố Bảo khố. Nào là Đăng khoa, Thuận khoa, Thêm đinh. Nhưng nếu hỏi các vị đang cầm thước kia để đo cái gì đó rằng họ đo bằng thước nào, 39cm hay 43 cm thì tịt luôn, vì nhiều chỗ ở thước 39cm thì đỏ, nhưng bên thước 43cm lại đen. Thế là khẩu quyết: “Hai đen thì bỏ, hai đỏ thì lấy” sinh ra. Đúng là mù tịt như lũ thầy bói xem voi vậy. Thế thì vứt cái thước ấy đi sao ? Vứt đi – nên dứt khoát nói vậy. Vậy sao lại vứt đi ? do không biết dùng hay thước sai ? Thước không sai – Đó là một kết quả của một công trình nghiên cứu thiên văn cổ đại – Là tuyệt vời. Người dùng đủ khôn ngoan chọn đỏ bỏ đen cũng là biết lựa chọn cái tốt, vậy cớ sao nói vứt đi ? Đó là do ứng dụng sự mô tả tỷ lệ ảnh hưởng của từng chòm sao ứng với từng vùng địa lý không thích ứng. Tức là ta không hiểu một điều đơn giản: “Lý ở đâu thì phải dùng số ở đó”. Nó khác với lý luận sinh khắc chế hóa của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) được ứng dụng ở mọi chốn mọi nơi trên hành tinh này
Khu vực châu thổ sông Hồng, tâm đại địa (bát quái) là thủ đô hà nội, nó có tọa độ không gian là khoảng 21độ vĩ bắc và 105 độ kinh đông. Việc sử dụng thước 39cm và 43cm nên cẩn trọng, tất nhiên là nó không chết người, nhưng tôi thấy nó không thỏa đáng. Việc chiêm nghiệm học thuật cần sự chín chắn hơn.
Nếu đen ghép các luận điểm của “các nhà” lại với nhau thì thấy:
1/ Cổ nhân cố ý gây khó khăn cho hậu thế về cách sử dụng thước hay hậu thế khập khễnh về cách hiểu
- Liệu nhà sản xuất thước có hiểu gì về thước Lỗ ban hay chỉ là sự lợi dụng của họ để câu khách nên mới đưa cùng lúc hai thước 39cm và 43cm song hành cùng bản thể với thước mét, gây bối rối cho người dùng và cho cả những nhà nghiên cứu nghiệp dư.
- Chúng ta cũng đừng nên cố uốn lưỡi câu cho vừa mồm cá, không nên bàn tán thêm rằng chọn được “hai chỗ đỏ” ở cả hai thước là cát tường, Chẳng có lý do gì mà cổ nhân bắt hậu thế phải nhọc lòng đến như vậy.
Về mặt thiên văn, đo đạc và tính toán sự vận hành của Trái đất, mặt trăng và các vì tinh tú trong thái dương hệ, các nhà thiên văn cổ đã kiên trì, nhẫn lại tới kinh ngạc. Chỉ với một bàn tính cổ với các viên bi gỗ sâu trong lõi trúc mà họ tính được năm mặt trời bằng 365 ngày, 5 giờ, 48 phút, 46 giây, độ chính xác ngang với NaSa. Việc tạo thước Lỗ Ban lại là một việc làm ngược lại. Họ đơn giản hóa tới mức không thể đơn giản hơn được nữa một kết quả nghiên cứu thiên văn vào việc lựa chon sự tốt lành khi phải đón nhận muôn vàn sự tác động từ môi trường vũ trụ tới trái đất và con người
2/ Ta không nên né tránh việc phải đưa ra một lời giải thích hay một giả thiết chín chắn hơn quanh việc tìm hiểu về thước lỗ ban
- Cổ nhân dựa vào đâu để tạo ra thước lỗ ban, và tại sao cùng một lý luận mà hậu thế gom nhặt được một đống Tạp Pí Lù nhiều loại thước được gọi chung là Lỗ Ban vậy
b.Theo đó mới phân loại được đâu là thước lỗ Ban và đâu là không phải, từ đó mỗi cái dùng vào việc gỉ ?
ↈ. Để lần tìm về thước Lỗ Ban, có lẽ chúng ta cần cùng nhau đặt một cơ sở để khi bàn luận chúng ta sẽ từng bước có được niềm tin từ sự hiểu biết hoặc ít ra giảm thiểu được sự va vấp do đơn thuần chỉ là sự mơ hồ về tính hấp dẫn của thước Lỗ Ban.
Thứ nhất: chúng ta cần hiểu chung về khái niệm Mét. Ở đây ta không nên bàn cãi thế nào là Mét và nguồn gốc phát minh ra Mét, mà chỉ cùng nhau hiểu rằng: Mét là một đơn vị đo khoảng cách được thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Việc thước Lỗ Ban hiện nay được quy theo hệ Mét không ảnh hưởng gì về tính lý luận và lợi ích sử dụng, và chúng ta cũng không nên câu lệ rằng cái thước Lỗ Ban chuẩn nào đó hiện nay ai chiếm giữ hoặc nó nằm ở đâu. Vì khi ta chưa hiểu về nó và chưa biết cách dùng nó thì nó chưa phải là vật báu, dù ta đang cố công tìm kiếm và tìm hiểu sự quý báu của cái thước kia.
Thứ hai: Nên cùng hiểu thước Lỗ Ban là một loại thước chuyên dụng được phát minh từ nền văn hóa phương đông, nó có trước thước Mét, vậy khi chưa có thước Mét, người phương đông đo khoảng cách như thế nào ? Cách đo bằng dặm; trượng; thước; thốn hoặc cổ hơn người xưa đo bằng khuỷu tay; gang tay; ngón tay; đốt ngón tay cũng không phải tranh luận.
Thứ ba: dù cách đo ước lệ bằng khuỷu tay; gang tay; ngón tay; đốt ngón tay. Chúng ta cùng hiểu là đối với người nghiên cứu vẫn có một khái niệm một khuỷu tay; một gang tay; một ngón tay; một đốt ngón tay “chuẩn”. Hãy hiểu nôm na là người xưa, hành vi tương tự của họ là bẻ dấu một cái que nào đó có độ dài tương ứng với một khuỷu tay… nào đó và lưu giữ lại để dùng trong quá trình nghiên cứu, và chính trong quá trình nghiên cứu ấy đã nẩy sinh ra một việc làm ngược lại, chính họ thấy sự bất cập về cái que bẻ dấu ban đầu kia, và họ dần hiệu chỉnh chuẩn lại cái que ấy.
Thứ tư: Một điều ta cũng không cần tranh cãi, rằng cổ nhân tạo ra cái thước chuyên dùng này cũng chỉ là nhằm tăng tiện ích cho cuộc sống mà mục đích lớn nhất của loài người ở mọi thời đại là bằng mọi cách để tránh xa được điều bất lợi, đón nhận được sự tốt lành.
Nếu như vậy, ta thấy việc lần tìm dấu tích thước Lỗ Ban có vẻ bớt phúc tạp đi chút ít. Lý lẽ cần thỏa đáng là, cái que chuẩn kia Cổ nhân “Sinh Kề” theo cái gì? Ở trên, tôi có ý nhấn mạnh việc người xưa mô tả tỷ lệ giữa địa xích tương ứng với thiên xích – bàn về sự phân dã của các vì sao theo các kinh vĩ độ thiên văn (Chiêm tinh thuật) và cho rằng đo đất theo thước trời để xác định phạm vi và tính chất ảnh hưởng của các vì sao thì đó một ứng dụng vô cùng kỳ diệu, chắc chúng ta cũng chằng mất công tranh luận rằng chòm sao nào ảnh hưởng tới vùng đất nào nữa, đó là ý thứ hai tôi muốn nhắc lại ở nội dung đã viết trước: “Lý ở đâu thì dùng số ở đó”.
Vậy thì chẳng có gì khó hiểu về thước Lỗ Ban cả. Mặc dù hiện tại ta chưa có được một trang sách nào của cổ nhân giảng giải cho chúng ta về nó. Chúng ta cùng xét từ hai góc độ dưới đây:
1) Với chứng cứ khoa học: Trong bách khoa toàn thư WIKIPEDIA, trang nói về kinh vĩ độ giúp ta hiểu về 9 nội dung (8 nội dung nói về kinh vĩ độ và 1 biểu thống kê về sự sai khác khi đưa ra các khái niệm về nó). Thì cái cụm từ “Một thước hai tấc quan xích” (địa lý toàn thư – Lưu Bá Ôn) được hiểu khá rõ. Nhưng nếu để ý trong nội dung ấy, khi nói về 2 vĩ độ đặc biệt là 66 độ 33phút 39 giây và 23 độ 26 phút 21giây, xác định đai khí hậu Nhiệt – Ôn và Ôn – Hàn sẽ cho ta cách hiểu thú vị hơn về thước Lỗ Ban.
2) Với thực tế người xưa: bằng một cái que (thước của họ đấy) cắm ở dưới mặt đất cùng với kinh nghiệm tích lũy lâu năm và truyền dạy qua nhiều thế hệ kế tiếp nghiên cứu. Người ta nhìn vào cái bóng chạy của cái que ấy mà họ biết khá chính xác thời gian ở một thời điểm nào đó, cái khái niệm Ngũ Đứng, Ngũ Chạy cũng thật giản dị (Trần Văn Tam làm nhà theo địa lý…); nó vạch ra một khoảng đất tương ứng với thời gian mà cái bóng của nó vạch ra. Theo định nghĩa khoa học: “Mét là khoảng cách mà ánh sáng truyền được trong chân không trong khoảng thời gian một phần 299.792.458 giây”, với khái niệm về sự phân dã của các vì sao theo kinh vĩ độ thiên văn, người xưa mô tả đơn giản nhưng chính xác tới kỳ lạ. Thời đó họ chưa hiểu nhiều về ánh sáng, tốc độ ánh sáng, bước sóng ánh sáng, tia α, γ, hay β gì cả, mà họ chỉ diễn tả sự trắc nghiệm thiên văn (nôm na) rằng với vì sao X trong khoảng thời gian Y nó sẽ tác động lên khoảng đất Z có chiều dài này, chiều rộng kia là “ngần ấy”. cái “ngần ấy” được điều chỉnh dần tới độ chính xác mà các nhà nghiên cứu sau không thể điều chỉnh được nữa. Thước Lỗ Ban được sinh ra như vậy đó chăng ?
Thước Lỗ Ban là thước chuyên dụng dùng trong kiến trúc, nó là loại thước dùng để xác định kích thước có khả năng che chắn của vật này với vật kia hoặc khả năng đón nhận sự tác động, sự ảnh hưởng của các vì tinh tú của một vật – (Định nghĩa độc quyền của Nguyễn Văn Nhuận)
Điều này nó gợi cho ta tới khái niệm cần và đủ của toán học. Với những thông tin trên ta có thể tạm thấy rằng nếu xếp số đo theo hệ Mét của các loại thước theo chiều từ lớn tới nhỏ là 52, 48, 43, và… nó sẽ có thể tương ứng với các vùng vỹ tuyến từ xích đạo… đến vùng cực bắc và ở đâu dùng thước nào chắc chúng ta có thể suy đoán, lựa chọn được trên cơ sở một niềm tin.
ↈ. Ở trên, tôi có ý nhấn mạnh: Thước Lỗ Ban là loại thước chuyên dụng dùng cho kiến trúc. Nó là loại thước dùng để xác định kích thước có khả năng che chắn (của vật này với vật kia) hoặc khả năng đón nhận sự tác động, sự ảnh hưởng của các vì tinh tú của một vật. Thước Lỗ Ban nào cũng có một giới hạn số đo của nó, vậy khi ứng dụng nó trong xây dựng, việc xác định một chỉ số nên hay không nên nào đó được hiểu ra sao ? Ví dụ dưới đây là cách đặt vấn đề để hiểu về nó.
Nới rộng phạm vi bàn luận một chút, ta phải mượn nội dung về phong thủy âm trạch hay dương trạch để làm sườn dẫn giải. Một ngôi nhà A có hình chữ nhật được xây dựng, nó có kích thước 10m x 15m chẳng hạn. tại giao điểm hai đường chéo hình chữ nhật là tâm ngôi nhà. Sau khi xác định hướng nhà và hướng cửa, một lẽ bình dị mà ta hay lãng quên hoặc chẳng ai thèm để ý là độ hướng của căn nhà đó có giá trị xác định là 15 độ. Trung tuyến từ tâm theo hướng nhà sẽ chia đôi độ hướng làm hai góc 7 độ 30 phút. Một nửa dây trương cung được tính bằng tg7độ 30phút x độ dài trung tuyến. Ta biết tg7độ 30phút bằng 0,13165. Vậy cái cửa chính của ngôi nhà kia có độ rộng là bao nhiêu ?
1) nếu ô cửa này mở ở cạnh 15m thì một nửa dây trương cung 15độ bằng 7,50m x 0,13165 bằng 0,987m. Đây là độ rộng một nửa ô cửa và cả ô cửa sẽ bằng 0,987 x 2 bằng 1,974m. Về yêu cầu phong thủy, ngôi nhà A nếu mở ô cửa có độ rộng 1,974m là độ rộng đúng, đủ để khỏi lẫn lộn âm dương theo độ hướng. Có nghĩa là ta không thể trổ cửa rộng hơn số đo này. Đem áp thước Lỗ Ban 48cm để tính (thiển ý của tôi cho rằng với tọa độ khu vực Hà Nội nên dùng thước Lỗ Ban 48cm). 4 chu kỳ lập lại là 48 x 4 bằng 192 cm. Nếu ta thêm 3cm (một nửa cung xích văn) độ rộng có thể là 195cm. đúng vào điểm giữa của chữ Tài là cát tinh của chu kỳ thứ 5, độ ra giảm có thể là + (-) 1 đủ để bù trừ sự sai thố trong xây dựng, nó vẫn đảm bảo nằm trong cung xích văn đã chọn; nếu có tán hươu tán vượn vào thì đây mới là số đo đẹp nhất đạt yêu cầu của cả kẻ khó tính rằng: nó phù hợp với yêu cầu về phong thủy, nó đạt tiêu chuẩn về thước Lỗ Ban. Và với chiều cao của một ô cửa thể mộc trực, theo đó mà lựa chọn một trong tám chữ: Tài, Bệnh, Lý, Nghĩa, Quan, Kiếp, Hại, Bản, đây là tám cung xích văn của thước Lỗ Ban 48cm, trong đó Tài, Lý, Nghĩa, Bản là 4 cát tinh mà tăng lên.
2) Nếu ô cửa này mở ở cạnh 10m. Tương tự ta tính được độ rộng của ô cửa là: 5m x 0,13165 x 2 bằng 1,316m. Nếu đem áp thước Lỗ Ban 48cm vào để tính thì ô cửa này có 2 số đo để chọn.
- a) bằng: (48×2) + 21 = 1,17m ( chữ nghĩa) nằm trong giới hạn cho phép, tốt.
- b) bằng: (48×3) – 3 = 1,41m (chữ bản) vượt quá giới hạn cho phép. Độ vượt số đo chưa quá lớn, nếu sử dụng chỉ số này phải đặt lệch cửa so với trung tuyến 10cm rộng hơn về phía cùng khí âm hoặc khí dương của ngôi nhà thì khả dĩ có thể chấp nhận.
Thật oái oăm, chọn thước Lỗ Ban theo phong thủy của ô cửa cho ngôi nhà này, với ba chỉ số; 195cm cho phía 15m; 141 hoặc 117cm cho phía 10m thì ô cửa này lại không đủ độ “hoành tráng” vì bị chê là hẹp. Muốn hoành tráng cho giống người khác cửa phải rộng thì chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn. Sử dụng thước lỗ ban thuần túy thì thật đơn giản, bạn cứ việc thu hẹp lại hay nới rộng ra tùy ý theo độ hoành tráng mà mình muốn cũng được và dùng thước Lỗ Ban nào mà chẳng chọn được cát tinh thì có gì phải bàn cho nhọc lòng nhau. Nó chẳng nằm ở chu kỳ thứ 5 thì nằm ở chu kỳ 6 hoặc 7 và việc dùng thước Lỗ Ban 43, 48, hay 52cm thì đạt cái gì ở đây nữa mà bàn, ta bủa giăng cát tinh hờ hững ở không gian ảo (tưởng tượng) mà thôi.).
Cái ô cửa của một ngôi nhà không thể thoát ly khỏi tổng thể của ngôi nhà được (thuật ngữ modul trong KHKT. Những vật thể độc lập như tủ, bàn…. nội thất cũng phải tuân thủ theo modul của ngôi nhà. Tuy nhiên nó có thể tùy biến hài hòa theo cách chọn một cát tinh nào đó để đạt được tối ưu về thẩm mỹ, về hình khối và vị trí đặt nó nữa, chứ nó không đến mức khắt khe như ô cửa của ngôi nhà. Biện pháp thỏa đáng về ánh sáng hoặc nhu cầu về đi lại của một ngôi nhà, hoặc một phòng chỉ còn bằng cách tăng số lượng các loại cửa ở các vị trí có phương vị mà phong thủy chỉ ra là vượng khí hay sinh khí.
ↈ. Trong 4 loại thước 52, 48, 43, 39 thì có 2 loại thước 43 và 48cm đầu móc thước khởi đầu từ chữ tài. Chữ tài ở đây là tài vật (của cải) hay tài giỏi ? và cái chữ ta chọn kia nói lên điều gì về thứ vị hay tầng lớp ? ở thước 39cm chia là 10 cung xích văn, khi 3 thước 43, 48 và 52 chia làm 8 cung xích văn. Đây là điều thú vị thứ 2 khi tìm hiểu về thước Lỗ Ban và 2 điều thú vị này chỉ có thể tự lấy sự hiểu biết ít ra là tạm đủ về nó làm cội nguồn niềm tin và một số kết quả ứng dụng nào đó để làm chân lý chứ KHÔNG THỂ LẤY KHỎE LỜI MÀ TRANH BIỆN ĐƯỢC. Bởi từ đây chúng ta buộc phải xử lý các thông tin khác với mức độ cao hơn. Nội dung bài viết này của tôi chỉ nhằm mục đích để trao đổi nghiên cứu chứ không hề bao hàm một kết luận mang tính giáo huấn hay áp đặt. Điều không mập mờ ở đây chính là điều mọi người tự rút ra từ sự hiểu biết. Các bạn biết rõ hơn tôi rằng, các bạn chỉ cần nhập 3 chữ “Thước Lỗ Ban” vào trang Google thì các bạn có vô số thông tin được đưa ra từ các tiểu sư phụ, sư phụ tới đại sư phụ, trong đó tôi còn thấy có cả các đại siêu quậy nữa đấy, nếu các bạn cưỡi ngựa lướt Web thì cứ việc tải về mà dùng còn khi có nhiều ý kiến từ xã hội, sự xuất hiện nghịch lý là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và vì sự xuất hiện nghịch lý, tôi hiến tặng các bạn 3 cách lựa chọn. Thứ nhất đơn thuần tìm chân lý từ lý trí thuần túy, thứ hai làm nô lệ cho sự kiện không cần tổng hợp chúng và thứ 3 là chắt lọc và làm hài hòa nó giữa lý thuyết và kinh nghiệm. Trong bài viết này, tôi quan tâm đến 4 loại thước 39, 43, 48 và 52cm, chỉ với một lý do đơn thuần là tôi không đủ sức để biện luận, phân loại các loại thước được và làm sao ôm cả các báu vật vào lòng mình. Tôi không có ý bác bỏ một chủ thuyết nào, mà dù có ai đó có phát hiện tìm kiếm thêm được cái thước thứ 8, thứ 9 hay thứ 10 chăng nữa, nó cũng không làm đảo lộn, làm phai mờ yêu cầu của chúng ta là cùng tìm tòi học hỏi để có sự hiểu biết cần thiết về thước Lỗ Ban, và một ai đó đưa ra lời bàn xác đáng để cùng nghiên cứu học hỏi sẽ được bạn đọc quan tâm cổ vũ và biết ơn lẫn nhau, mong các bạn đồng cảm với tôi điều này.
Tôi chỉ khác các nhà thiên văn cổ một chút, tôi thì ngồi tập mổ cọc cạch trên bàn phím của cỗ máy vi tính để soạn thảo bài, sau đó chuyển lên diễn đàn hiến tặng các bạn và, khi xưa các nhà thiên văn cổ ngồi búng các viên bi gỗ sọc xạch xâu trong lõi trúc của cái bàn tính cổ; ấy mà các nhà thiên văn cổ thì để lại kỳ tích thiên thu, còn tôi chỉ mong muốn gợi mở cùng các bạn để cùng góp nhặt một chút niềm tin, tới một lúc nào đó chúng ta đủ sức hiểu và tự lựa chọn được một cái thước Lỗ Ban để sử dụng cho mình và người thân. Đừng để lòng ham mê tìm tòi nghiên cứu của bạn trôi nổi khi thiếu niềm tin. “Linh” chỉ nẩy sinh từ sự hiểu biết, chứ “Linh” không nầy sinh từ sự mê muội. (Linh: linh ứng , linh cảm)
ↈ. Tôi mong muốn các bạn say mê trong tìm tòi, nghiên cứu, thành tựu trong việc tìm kiếm một kết quả cho cuộc sống và biết đâu đó một phần kết quả tìm kiếm được lại có ngọn nguồn từ cái thước Lỗ Ban này. Vì tôi không muốn làm phật ý người khác (đưa thông tin về họ khi chưa được họ đồng ý). Nên tôi đành làm cái việc gọi là vạch áo cho người xem lưng vậy. Bố vợ và bố đẻ tôi là người có trên 55 năm trong nghề thợ mộc, hai ông một thì làm hàng ngang, một thì làm nhà cửa. Ông nội tôi mới là người đa năng trong nghề này. Năm 1988 trước khi mất, ông cụ chỉ nói với đứa cháu “đít tôn” là tôi một câu rằng “Nhà và cửa nhà mình phạm chữ, cháu cố mà sửa”. Tôi hỏi thế nào là phạm chữ và phạm chữ gì ? ông cụ nói đơn giản “Phạm chữ Kiếp” (mất từ bên trong) của thước Lỗ Ban…
Ngôi nhà tôi ở, ông tôi và bố tôi mua lại của một vị chức sắc năm 1958. Quy mô của nó được xếp vào hàng nhất nhì xã hồi bấy giờ. Chủ cũ thì quả đúng là bị “Kiếp từ bên trong” và cả gia đình tôi cũng không giành được vẻ vang gì nhiều hơn. Tất nhiên – trạch vận chưa phải là yếu tố duy nhất. Với kinh tế trước thời mở cửa, ông tôi và bố tôi không sửa sang thêm được ngôi nhà. Một điều gian nan là sức khỏe của tôi sa sút tới mức sống mà coi như chết. Thất bại quá nhiều trong cuộc sống, tôi sinh nghĩ lẩm cẩm. Câu nhất mộ – nhì phòng – tam bát tự (Nhất mồ mả, nhì nhà ở, ba mệnh số) có đáng suy nghẫm không ? tôi dành hơi sức còn lại tìm sách đọc. Càng đọc tôi càng muốn sống hơn, thâm niên đục sách (mọt mà) của tôi đến lúc này mới có 25 năm, nhưng hình như tôi có duyên với sách (tứ trụ có nhâm đinh hóa mộc ở giờ dần). Tôi đọc “Kinh dịch”, đọc tất tần tật các bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố. Đọc “Mai hoa dịch số”. Đọc “Kinh dịch với dự đoán học” của Thiệu Vĩ Hoa. Đọc dự đoán theo tứ trụ, Hà Lạc Bát Tự, Tử Vi Đẩu Số, Hi Di với nền văn hóa đời tống. Đọc “Phong Thủy Tả Ao”. Đọc “Địa Lý Tòan Thư”. Đọc “Thẩm Thị Huyền Không Học”, “Trạch Vân Tân Án”… Đọc một số tác phẩm được gọi là kiệt tác của nhân loại và đọc cả Doremon nữa đấy. Thôi thì sách chồng nghập mặt…
Cho tôi cảm tạ các tác giả, chính họ là các sư phụ mà tôi chưa một lần bái lạy. Một văn nhân đã nói: “Cổ nhân chỉ có một câu một lời, một chữ một dòng mà đủ để một mình bước đi trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm thì ta tin rằng trên đời này không có gì là không do ở đọc sách – dưỡng khí mà ra”.
Cám ơn các danh nhân đã dạy bảo tôi cách đọc sách. Cái khí mà tôi dưỡng ấy cũng hình thành trong tôi, tuy nó nghiệt ngã thật nhưng nó đã thai nghén trong tôi một cốt cách. Tôi quyết định vay mượn thêm để tu tạo trạch vận và âm phần. Thật khó mà giải thích nếu không có các tri thức từ các pho sách của các bậc tiền nhân ban cho kia. Người con gái của tôi, nó học dốt tới mức một cô giáo mắng nó hơi quá lời lúc bực tức là dốt hơn cả nai cái (tôi giận người nói câu đó lắm) vậy mà dần già chuyển thành học sinh khá, học sinh giỏi, rồi đường hoàng bước vào hai trường đại học. Cháu trai có nhỉnh hơn nhưng thi học sinh giỏi thì bao giờ cũng nhường giải cho bạn. Ấy vậy mà khi có sự “chuyển hóa” kia, đột nhiên cháu giành giải không nhường bạn nữa. Đường hoàng bước vào hai trường đại học làm gương cho cô em. Còn tôi vượt qua được cái chết, sức khỏe hồi phục, thanh thản sống chờ các con xây dựng gia đình, sinh cháu cho tôi vui tuổi già, kinh tế gia đình tích lũy dần lên, các bạn bỏ qua, cái nghiệp đọc của tôi cũng giúp được không ít người đâu và lại đa phương diện nữa là khác. Cái mà gia đình tôi có được có lẽ cũng một phần từ lời căn dặn và giảng giải của ông nội tôi về cái thước Lỗ Ban.
ↈ. Cái thước Lỗ Ban mà từ những năm 30 thế kỷ trước ông nội tôi được truyền dạy không giống cái thước Lỗ Ban bây giờ mà các bạn thấy trên các trang Web, nó là cái thước có số đo quy theo hệ Mét là 48cm và được chia làm 8 cung xích văn thuần túy như Trần Văn Tam đưa ra trong cuốn “Làm nhà theo…”. trước những năm 90, cái thước mét cuộn kèm theo thước Lỗ Ban xuất hiện trên thị trường nó cũng không giống với cái thước Lỗ Ban mà các bạn thấy trên các trang Web bây giờ. Tuy nó vẫn bao gồm một thước 39cm chia là 10 cung xích văn và 50 cung nhỏ, và một thước 43cm chia làm 8 cung xích văn và 40 cung nhỏ. Nhưng lời chú giải bằng chữ hán thì có khác.
Điều dầu tiên ta nhận thấy việc nhà sản xuất thước đưa cùng lúc 2 thước 39cm và 43cm vào với thước mét là một sai lầm không cho phép mặc dù mục đích của họ có thể chỉ là làm nhằm tăng thêm thông tin cho người dùng trên một cái thước. Việc người Nam ta Việt hóa thước Tầu để dùng là sai xót lớn thứ 2. Vì thước Lỗ Ban là loại thước ngoài tính chuyên dùng nó còn mang tính đặc dụng theo vùng lãnh thổ (nên hỉểu là vùng vĩ độ).
Thước 48cm hiện cũng có hai dạng, một dạng được chia làm 8 cung xích văn thuần túy và một dạng được chia là 8 cung xích văn và 40 cung nhỏ. lời chú giải ở 40 cung nhỏ na ná lời chú giải ở 40 cung nhỏ của thước 43cm. Phải chăng đây là sự châm chế cho thêm thâm nghiêm bí ẩn, nhưng khả dĩ còn có thể chấp nhận và từ sự nghi ngờ này ta có quyền tự hỏi – hoặc có bàn tay vô hình của một kẻ Đại Hán hoặc Tiểu tử nào đó làm sai khác thông tin vì không muốn người dùng được hưởng lợi ích của thước Lỗ Ban chăng ? hoặc do sự khập khễnh về cách hiểu của nhà sản xuất thước ? hoặc do cơ chế kinh tế và thị trường xây dựng mà họ muốn thể hiện cái gì đó cho độc đáo tý chút chăng? Hoặc do “tam sao thất bản” mà lộn tùng phèo nhiều thứ…
Đến đây ta có thể cùng nhau nhận định.
1) Các loại thước có số đo khác nhau có đặc tính khác nhau và dùng với mục đích khác nhau.
– Thước 39cm chia làm 10 cung xích văn và 50 cung nhỏ là một loại thước có đặc tính riêng.
– Thước 52cm chia làm 8 cung xích văn là một loại thước có đặc tính riêng.
– Hai thước, loại 43cm chia làm 8 cung xích văn và 40 cung nhỏ, loại 48cm chia 8 cung thuần túy hoặc loại 48cm chia tám cung xích văn và 40 cung nhỏ là hai loại thước có cùng đặc tính nhưng khác ở vùng đặc dụng.
2) Việc quy nạp các loại thước cổ có độ dài quy theo hệ mét không theo ước hoặc bội của mét vào thành một mớ “hổ lốn” với thước Lỗ Ban là không cần thiết và thiếu thận trọng. Bởi chính nó đã có danh xưng riêng. Độ dài của một cây thước cuộn dù là bao nhiêu 5m, 7,5m hay 10m nếu đem áp thước Lỗ Ban theo vào thì nó sẽ lập lại lần lượt số chu kỳ Lỗ Ban nào đó chứ không nên xem rằng có loại thước Lỗ Ban 5m, 7,5m hay 10m mới khác nhau. Hãy xem với số đo lập lại ấy nó thuộc loại nào mà ứng dụng.
Nếu các bạn đồng ý với tôi về những điều thảo luận ở bài viết này chúng ta có thể cùng nhau đi tới kết luận một số điểm sau.
1) Thước Lỗ Ban là thước chuyên dùng cho kiến trúc mà nói rõ hơn nó là thước để xác định kích thước nhà cửa khi xây dựng. Nó có vùng đặc dụng riêng. Theo yêu cầu phong thủy kết hợp, kích thước của một đơn nguyên phải tuân thủ modul kiến trúc tổng thể. Sự hài hòa về phong thủy và kích thước theo Lỗ Ban trong kiến trúc là một yêu cầu không thể tách rời nhau. Nó phải được coi như hình với bóng không thể phân ly.
ↈ. Khi bàn về tính toàn mỹ của kiến trúc, mọi sự tranh luận đều được coi là thiếu công bằng, thậm trí được coi là thiếu chín chắn khi hướng sự hay, dở,nghiêng lệch về lý luận phong thủy hay thước Lỗ Ban. Để đạt được sự toàn mỹ về kiến trúc là quá khó, ta thửa nhận ít có một không gian kiến trúc nào đạt được. Trong cái cụm từ “áo gấm thêu hoa” vẫn có thể có sự thiếu hài hòa nào đó vì bản thân môn phong thủy cũng khó đạt được trong ứng dụng, và điều này phải chăng chỉ có ở thiên đường. Vậy thì cái chất rượu của phong thủy vì thế đã coi như pha một chút dấm rồi. Huống hồ ta lại đem chất dấm pha rượu kia đổ hộn vào với sữa (coi thường và dùng sai giá trị Lỗ Ban) thì chỉ có đổ đi, không uống được – Phí của. Thói đời, người giầu thì lựa chọn cái sang quý từ đỉnh cao ngất ngưởng, kẻ nghèo khó thì cố lựa chọn tử cái thấp nhỏ ngược dần lên. Người giầu có muôn vạn thì bàn tìm tới tận Loan Đầu. Kẻ nghèo khó không lẽ khoanh tay xem họ giành giật sao. Không thể được, người giầu hay kẻ nghèo đều có chung một điểm xuất phát là cùng cầu tìm cát lợi trong việc bàn luận về Phong thủy và thước Lỗ Ban trong kiến trúc. Phong thủy là phong thủy, thước Lỗ Ban là thước Lỗ Ban khi bàn riêng từng thứ. Không có môn học vấn nào là 8 lạng, môn học vấn nào là nửa cân. Có lẽ chúng ta phải lớn tiếng nói để toàn thế giới biết rằng. Ngành kiến trúc phải tổng hợp hai môn học vấn này làm một bộ môn để từ nay đào tạo ra những ông kiến trúc sư có hiểu biết đầy đủ hơn về chính yêu cầu ngành kiến trúc của mình, chứ đây không phải là đỏi hỏi riêng của ngoài xã hội nữa. Và khi điều này chưa được đáp ứng, ai đó không quan tâm một cách chính đáng tới nó là tự mình chịu thiệt thòi vậy.
2) Bất luận là bạn tin dùng loại thước có số đo nào. Việc xác định kích thước có khả năng che chắn của một vật như bức tường ngôi nhà, bức tường chắn gió… thì kích thước của nó được đo theo nghĩa hiểu nôm na là đo phủ bì (khoảng cách của hai đầu mút từ A tới B). và kích thước có khả năng đón nhận sự tác động, sự ảnh hưởng của các vì tinh tú của một vật như một ô cửa, một lỗ thoáng…. Thì kích thước được đo theo nghĩa hiểu nôm na là đo thông thủy hoặc khung ánh sáng.
3) Một vật có không gian hai chiều thì có diện tích hoặc không gian 3 chiều thì có thể tích. Nó là tích của hai số đo kích thước của nó hoặc tích của 3 số đo kích thước của nó. Các số đo này phải cùng một loại thước, không có vật thể nào có một số đo cả, nó chỉ tồn tại trong toán học, trong phong thủy và xây dựng nhà cửa thì nó bị coi là số đo ảo.
4) Khi đo đạc nên chọn điểm giữa của cung xích văn là cát tinh của cung lớn, không quá khiên cưỡng tìm chọn tới tận các cung nhỏ vì khi xẩy ra sai thố trong thi công thì việc điều chỉnh sẽ phức tạp tốn kém. Tất nhiên kỹ càng và cầu kỳ được thì tốt hơn.
Chúng ta cùng đặt ngược một vấn đề để xem điều gì cần bàn luận thêm, đó là cái đầu móc thước là điểm khởi đầu hay chính là điểm kết thúc của việc đo. Nếu đầu móc là điểm khởi đầu thì chữ ta chọn nào đó là điểm kết thúc và ngược lại, nếu đầu móc là điểm kết thúc thì chính chữ ta chọn lại là điểm khởi đầu. đơn giản vậy thôi nhưng đấy là một điều thú vị đấy, các bạn ghi nhận nó và cùng bàn luận xem (không nên xem đây như là trò chơi chữ)..
Cổ nhân thật uyên bác và thâm thúy khi gửi gấm một trong những ước vọng lớn nhất của loài người qua ngôn ngữ của cái thước cổ . Các bạn nghĩ xem – một trong những ước vọng lớn nhất đó chả nhẽ không phải là hai chữ: ĐINH TÀI sao
Nếu các bạn không tìm được chút gì từ những lời trao đổi này thì làm sao các bạn có đủ năng lực để giám định một bản thư tịch cổ và càng không sao hiểu được ngôn ngữ uyên bác trong bản dịch cổ đó, mà nếu tôi có khi tôi muốn tặng cho các bạn. Tôi không muốn xảy ra cảnh người sờ cái tai voi tranh biện với người sờ phải cái vòi con voi.