HƯỚNG DẪN HỌC TỬ VI MỘT SỐ THUẬT NGỮ CƠ BẢN

MỘT SỐ THUẬT NGỮ THƯỜNG DÙNG TRONG TỬ VI – Tác Giả: Đặng Xuân Xuyến

Lần đầu tiếp xúc với khoa Tử Vi, không ít người sẽ bỡ ngỡ với những thuật ngữ như thủ, chiếu, lâm, tọa, giáp … nên mỗi lần xuất hiện một thuật ngữ chưa biết hoặc không nhớ rõ lại mất thời gian tra cứu nghĩa của thuật ngữ khiến việc học bị ngắt đoạn, tản mạn, khó nhớ… trong khi những kiến thức của Tử Vi vốn dĩ đã khó học, khó thuộc.

Để thuận tiện cho bạn đọc khi tham khảo khoa Tử Vi, người viết tổng hợp những thuật ngữ thường dùng trong Tử Vi để bạn đọc làm quen với tiêu đề: MỘT SỐ THUẬT NGỮ THƯỜNG DÙNG TRONG TỬ VI.

Sao chủ Mệnh – sao chủ Thân: Mỗi tuổi có 1 sao chủ Mệnh và 1 sao chủ Thân, được ghi ở khoảng giữa lá số, dưới những thông số: tên, tuổi, mệnh, cục. Không có sách nào nói tới ảnh hưởng của 2 loại sao này tới số kiếp của con người, nhưng tất cả các sách tử vi đều khuyên người coi số nên ghi để biết.

Cũng có sách cho rằng: Sao chủ Mệnh, sao chủ Thân được xem như chính tinh tọa thủ tại Mệnh hoặc Thân khi cung Mệnh hoặc cung Thân vô chính diện, nhưng không ghi rõ là nên luận giải như thế nào? Tóm lại, quan điểm này cũng chưa cụ thể, cũng như quan điểm các tác giả khác: nên ghi để biết.

Xung chiếu: Là cung đối diện trực tiếp với cung cần xem. Vì là chiếu trực tiếp nên cung xung chiếu quan trọng hơn hai cung tam chiếu và cung nhị hợp. Tùy trường hợp, có khi sao xung chiếu lại quan trọng, tốt đẹp hơn là tọa thủ, chẳng hạn như Thái Dương – Thái Âm tọa thủ không đẹp bằng khi chính chiếu hoặc hợp chiếu. (Theo quan điểm của cụ Thiên Lương thì cung xung chiếu là “đối thủ” của “ta”, vì thế cung chính chiếu cần cân nhắc thật kỹ khi luận giải.)

Chính tinh ở cung xung chiếu càng đặc biệt hơn khi cung chính vô chính diệu. Trường hợp này, để luận giải cung chính, Tử Vi phần lớn thường lấy chính diệu ở cung xung chiếu làm chính tinh cho cung chính, tuy nhiên sự luận giải chỉ ở mức tương đối vì chính tinh lúc này không khác gì là của vay của muợn, của “sỹ hão” nên  ảnh hưởng của chính tinh đó sẽ giảm thiểu đi khá nhiều, vì thế, rất cần cẩn trọng khi đưa ra lời luận giải trong trường hợp này.

Hợp chiếu: Là 2 cung trong tam hợp với cung chính, ví dụ: Dần, Tuất hợp chiếu Ngọ; Thân, Thìn hợp chiếu Tý; Hợi, Mùi hợp chiếu Mão…

Các sao ở các cung hợp chiếu (còn gọi là tam chiếu, tam hợp chiếu) có giá trị bổ túc rất nhiều cho các sao ở cung chính. Thậm chí, có trường hợp các sao hợp chiếu lại có giá trị quyết định hơn hẳn so với các sao ở cung chính.

Tam hợp: Một lá số tử vi được chia làm 12 cung theo thập nhị chi là Tý, Sửu, Dần , Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Khi tính các sao ở mỗi cung phải tính theo tam hợp của 3 cung hội họp lại.

Cụ thể, có 4 bộ tam hợp:

Tỵ – Dậu – Sửu

Thân – Tý -Thìn

Hợi – Mão – Mùi

Dần – Ngọ -Tuất

Nhị hợp: Là những cung không thuộc xung chiếu, tam chiếu nhưng có giá trị ảnh hưởng tới cung cần xem. Thế nhị hợp cũng không thay đổi, được quy định như sau:

Tý – Sửu

Dần – Hợi

Mão – Tuất

Thìn – Dậu

Tỵ – Thân

Ngọ – Mùi.

Âm Dương thuận lý: Đó là trường hợp tuổi Dương mà Mệnh đóng ở cung Dương, tuổi Âm mà Mệnh đóng ở cung Âm. Việc thuận lý này là lợi điểm đầu tiên của đương số để độ số được gia tăng.

Âm Dương nghịch lý: Đó là trường hợp tuổi Âm mà Mệnh đóng ở cung Dương, tuổi Dương mà Mệnh đóng ở cung Âm. Sự nghịch lý này chính là một dấu hiệu trục trặc, bất lợi đầu tiên của lá số.

Ngũ hành tương sinh: Đó là sự tương sinh giữa Cục và Mệnh. Có thể Cục sinh Mệnh, có thể Mệnh sinh Cục nhưng tốt nhất là trường hợp Cục sinh Mệnh. Hoặc sự tương sinh giữa hành bản Mệnh với cung an Mệnh, giữa cung an Mệnh với sao tọa thủ, giữa bản Mệnh với sao tọa thủ… Tương tự, khi xem các cung khác, chẳng hạn như cung Quan Lộc, Thiên Di… phải cân nhắc kỹ mối tương quan Ngũ hành (sinh, khắc, bình hòa) của sao với cung, cung với bản Mệnh…

Ngũ hành tương khắc: Đó là trường hợp Cục và Mệnh khắc nhau. Có thể Cục khắc Mệnh, có thể Mệnh khắc Cục. Xấu nhất là trường hợp Cục khắc Mệnh (Mệnh bị thiệt thòi lớn), xấu ít hơn là Mệnh khắc Cục (Mệnh đỡ hao). Hoặc sự tương khắc giữa Mệnh với sao, cung an Mệnh với sao… Tóm lại, nếu xem ở cung nào thì xét kỹ về sự tương khắc của cung đó chứ không hẳn chỉ xét tương sinh, tương khắc của Mệnh, Cục, Sao và cung an Mệnh, an Thân.

Hung tinh: Là những sao gây: tai nạn, bệnh tật, tán tài, buôn bán thua lỗ, tù tội, tang thương, loạn trí… Tóm lại là những đau khổ, bất hạnh lớn lao cho cuộc sống con người.

Hung tinh bao gồm các sao được gọi là sát tinh, hình tinh, bại tinh…

Hung tinh đắc địa có ý nghĩa tốt, nhưng vẫn còn tiềm ẩn cái xấu. Hung tinh hãm địa gieo nhiều tai hoạ, nhất là hung tinh khắc Mệnh hay khắc Can năm sinh.

Hung tinh chỉ chịu lép vế, giảm sự tác oai tác quái khi gặp Khoa, Tuần – Triệt, Tài – Thọ, Quan Phúc.

Hung – Sát tinh ngộ chế: Hung tinh là bộ chính tinh THẤT SÁT – PHÁ QUÂN – THAM LANG, còn sát tinh gồm có: Kình Dương, Đà La, Hoả Tinh, Linh Tinh, Địa Không, Địa Kiếp, Thiên Không, Kiếp Sát, ngoài ra còn phải kể đến Thiên Hình, Hoá Kỵ, Lưu Hà…

Gặp các hung sát tinh không có sao giải thì rất nguy hiểm. Nếu có sao giải mạnh, các hung sát tinh sẽ được hóa giải ác tính thành ra ngộ chế tức chế biến, cải trang lại, không còn nguy hiểm như ý nghĩa nguyên thủy nữa mà có khi còn tốt lên.

Những sao cứu giải mạnh gồm Tuần – Triệt, Thiên Tài, Hoá Khoa, Quan Phúc.

Sát tinh: Là những sao gây ra tai họa lớn tới đời sống con người như: chấm dứt sự nghiệp, tài sản, gia đạo, thậm chí còn mất mạng…

Được xem là sát tinh hạng nặng gồm: Địa Không – Địa Kiếp – Thiên Không – Kình Dương – Đà La – Kiếp Sát – Hỏa Tinh và Linh Tinh

Càng hội tụ nhiều sao sát tinh thì mức độ hoạ hại càng dễ xảy ra và xảy ra trên nhiều bình diện của cuộc sống. Đặc biệt, càng nhiều sát tinh hãm địa tụ tập thì những thiệt hại, những tai biến về gia đạo, tài sản, công danh, tính mạng … càng xảy ra nhanh chóng và nặng nề, bất khả kháng.

Sự hội tụ của các sát tinh ở cung nào thì cung đó bị ảnh hưởng nhiều nhất về những tai họa do sát tinh gây ra. Cho dù các sát tinh có đắc địa thì tai hoạ vẫn ẩn nấp, liền kề, có chăng chỉ được hưởng sự bộc phát trong một thời gian ngắn.

Tất cả các sao khác như: hình tinh, bại tinh, hao tinh… đều do các sao sát tinh góp phần tăng cường hiệu lực.

Lục sát tinh: Gồm sáu sao: Địa Không, Địa Kiếp, Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh.

Ngoài ra các sao Kiếp Sát (còn gọi là Địa Kiếp thứ 2), Lưu Hà, Phá Toái, Thiên Hình, Hoá Kỵ, Thiên Không, Thương Sứ, La Võng cũng được kể như sát tinh vì đặc tính sát  hại, phá phách của chúng.

Hình tinh: Là những sao ảnh hưởng đến sự tự do của cá nhân, hoặc uy tín và danh dự của cá nhân, thậm chí bị kiện tụng, tù đày…

Hình tinh được xem là các sao: Thiên Hình, Quan Phù, Quan Phủ, Thái Tuế, Thiên La, Địa Võng

Bại tinh, hao tinh: Là những sao làm cho con người bị lụn bại, hao tán về tài sản, sự nghiệp, thậm chí về cơ thể.

Được coi là hao tinh, bại tinh là những sao: Tang Môn, Bạch Hổ, Đại Hao, Tiểu Hao, Thiên Khốc, Thiên Hư.

Ám tinh: Là những sao gây trở ngại, trục trặc cho con người về công danh, sự nghiệp, hạnh phúc gia đạo, uy tín và danh dự của cá nhân.

Ám tinh gồm các sao: Hóa Kỵ, Cự Môn, Phục Binh, Thiên Riêu, Thiên Không, Phá Quân, Thái Tuế, Tử phù, Suy, Tử, Trực Phù, Tuần, Triệt, Cô Thần, Quả Tú, Tuế Phá, Thiên Thương, Thiên Sứ.

Văn tinh: Là những sao chủ về sự học hành, trình độ, bằng cấp, hợp với “quan văn”, như: Thiên Khôi, Thiên Việt, Hóa Khoa, Văn xương, Văn Khúc, Thiếu Âm, Thiếu Dương, Tấu Thư. Càng hội tụ nhiều văn tinh ở Mệnh (Thân) càng chỉ tài năng, học vấn uyên thâm và “quyền uy” của đương số.

Võ tinh: Là những sao chủ sự uy quyền, võ nghệ, xa hơn là sự mạnh mẽ, cứng rắn về tính cách của đương số.

Đựơc xem là võ tinh gồm những sao như: Thất Sát, Phá Quân, Thiên Tướng, Hóa Quyền, Tướng Quân, Quốc Ấn, Thiên Mã, Thanh Long, Thiên Hình..

Dâm tinh: Là những sao ảnh hưởng đến đời sống sinh lý của con người, nhẹ thì là người sống lãng mạn, nặng thì đa dâm, sa đọa, đĩ điếm, thậm chí còn mất danh dự, thiệt mạng vì tính trăng hoa, dâm loạn.

Những sao tình dục (dâm tinh) rất nhiều, chiếm tỉ lệ 20/111 sao trong hệ thống các sao của Tử Vi (Tử Vi Việt Nam), nhưng tiêu biểu nhất cho sự dâm tính gồm các sao: Tham Lang, Thiên Riêu, Mộc Dục, Đào Hoa, Thai, Mộ, Liêm Trinh (hãm địa), Thái Âm (hãm địa), Hoa Cái ….

Nhìn chung, về cơ bản các Chính tinh khi hãm địa đều có thể được coi là người có nhiều ham muốn về tình dục, tuy nhiên sự ham muốn đó chỉ ở mức bình thường, không nặng nề như những sao kể trên.

Lộc tinh: Là những sao chủ về tài sản, tiền bạc mà đương số sẽ được hưởng hoặc không được hưởng, hoặc sự kiến tạo ra tài sản, tiền bạc khó hay dễ, nhiều hay ít…

Được xem là lộc tinh gồm các sao: Hóa Lộc, Lộc Tồn, Vũ Khúc, Thiên Phủ.

Những lộc tinh chỉ đem đến tài lộc cho đương số khi đắc địa và không gặp sát tinh, hoặc Tuần, Triệt án ngữ.

Phúc tinh: Là những sao chủ về sự hưởng ít hay nhiều? Được hưởng hay không được hưởng phúc đức của tổ nghiệp, của số phận?

Được coi là phúc tinh gồm các sao như: Ân Quang, Thiên Quý, Thiên Tài, Thiên Thọ, Thiên Đức, Nguyệt Đức, Phúc Đức, Thiên Phúc, Quý Nhân, Thiên Quan, Giải Thần, Thiên Giải.

Cũng như các tinh đẩu khác, Phúc tinh chỉ thật sự hữu ích, đem lại may mắn về phúc đức, tài lộc khi đắc địa và không gặp sát tinh hoặc Tuần, Triệt án ngữ.

Trợ tinh: Còn gọi là Hộ tinh. Là những sao khi đi cùng sao xấu sẽ làm tăng ác tính của sao xấu, đi với sao tốt sẽ làm đẹp thêm những điều tốt của sao tốt.

Được xem là trợ tinh gồm các sao như: Thiên Tài, Tả Phù, Hữu Bật.

Sao thiện căn: Là những sao chủ về thiện tâm, vọng đạo, đó là các sao: Thiên Lương, Thiên Đồng,Thiên Quan, Thiên Phúc, Ân Quang, Thiên Quý, Hóa Khoa, Tứ Đức.

Thiên La – Địa Võng: Thiên La ở Thìn, Địa Võng ở Tuất được gọi là lưới trời. Mệnh cư ở đây ví như số mệnh bị lưới Trời bó chặt lại, không thể vùng vẫy được. Nhưng có sách nói chỉ khi nào có Đà La ở hai cung Thìn, Tuất và Mệnh cũng ở đó thì mới bị ảnh hưởng của La – Võng. Khi Mệnh ở La – Võng rất cần có Kình hội họp, nhất là Kình đồng cung để phá thế La – Võng.

Trong 14 chính tinh thì Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương là bộ sao mềm dẻo, ôn hòa nên không ngại lắm khi Mệnh ở La – Võng, còn các chính tinh khác nên tránh xa, nhất là Tử, Phủ, Sát, Phá, Tham.

Chính diệu: Là các chính tinh trong hệ thống các sao của khoa Tử Vi. Tại sao lại gọi 14 sao là chính tinh (chính diệu) bởi theo quan điểm của Tử Vi thì đó là 14 sao quan trọng, quyết định số kiếp của con người. Các cung có sao chính tinh thì gọi là chính diệu tọa thủ.

Vô chính diệu: Cung vô chính diệu là cung không có chính tinh tọa thủ. Cung nào không có chính tinh thì gọi cung đó là cung vô chính diệu, chẳng hạn: Mệnh vô chính diệu, Tài vô chính diệu… Những cung vô chính diệu rất cần có sát tinh đắc địa như Không – Kiếp đồng cung, hoặc Tam Không, Tứ Không hội chiếu mới mong số kiếp được suôn sẻ, khấm khá lên được.

Cung vô chính diệu khi ở Tứ Mộ mới tốt, mới được hưởng những cách hay của các sao tam hợp chiếu. Còn tại các cung khác thì chịu ảnh hưởng của các sao ở cung trực chiếu.

Mệnh vô chính diệu thì cần Hỏa mệnh và Kim mệnh vì mệnh vô chính diệu như nhà không nóc, cần bản mệnh có hành khá mạnh mẽ cứng cỏi làm nồng cốt. Các mệnh khác như Thổ, Thủy, Mộc thì không tốt.

Nữ Mệnh vô chính diệu thì đỡ xấu hơn là Nam Mệnh vô chính diệu

Mệnh vô chính diệu mà cung Tử cũng vô chính diệu thì cả đời không con hoặc vất vả về vấn đề con cái

Phụ Mẫu vô chính diệu thì cha mẹ thường thọ nhưng cha mẹ không giúp đỡ con cái được bao nhiêu, hoặc con cái không báo hiếu được cha mẹ nhiều.

Bào vô chính diệu thì anh em không cậy nhờ được nhau.

Tật ách vô chính diệu thì ít bệnh tật

Điền vô chính diệu thì khó giữ nhà đất bền vững, cho dù có sao giữ của như Quả Tú. Cũng có quan điểm cho rằng: Điền vô chính diệu là khi đương số ra đời, kinh tế của bố mẹ đang gặp cảnh khó khăn, sau đó mới giàu có dần.

Tử vô chính diệu thì khó có con, hoặc có con nhưng không nhờ được con cái.

Phúc vô chính diệu thì lại tốt.

Phu Thê vô chính diệu thường lập gia đình một cách bất ngờ.

Tam không – Tứ không: Đó là những sao: Địa Không, Thiên Không, Tuần trung không vong và Triệt lộ không vong. Đây là bộ sao có ảnh hưởng rất mạnh tới số phận của con người, làm đảo lộn giá trị của các sao đồng cung hoặc hợp chiếu. Vì vậy, bộ sao này cần được cẩn trọng khi xem lá số, nhất là 2 sao Triệt lộ không vong (Triệt) và Tuần trung không vong (Tuần).

Địa Không – Địa Kiếp là 2 phụ tinh nhưng ảnh hưởng tới số phận con người lại ngang ngửa với chính tinh, thậm chí còn làm cho chính tinh trở nên mờ nhạt khi Không – Kiếp hãm địa. Nhắc tới lũ sát tinh này, mọi người đều e ngại, thế nhưng khi có Triệt tại bản cung thì khụôg sợ tai họa do Không – Kiếp chiếu về. Tuần cũng có tác dụng như vậy nhưng sức cản phá yếu hơn. Mệnh Thân có Không – Kiếp thủ chiếu mà gặp Triệt – Tuần thì không sợ tai nguy.

Tuỳ theo sự hội tụ của các sao đó mà gọi là đắc Nhị không, Tam không hay Tứ không.

Sự hội tụ của các sao này rất cần thiết cho các cung không có chính tinh toạ thủ.

Tứ Mộ, tứ Chính, tứ Sinh: Đây là thuật ngữ dùng để chỉ khi Mệnh nằm tại 1 cung nào đó trên lá số.

Mệnh ở tứ Sinh gồm: Dần, Thân, Tỵ, Hợi

Khi Mệnh an tại tứ Sinh là người có lòng tự hào, tính khoe khoang, thích được đề cao, có sức khỏe, ít bệnh tật mặc dù thường có tầm vóc nhỏ.

Mệnh ở tứ Chính gồm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Khi Mệnh an tại tứ Chính là người cứng rắn, cương trực, khảng khái và khó ai làm thay đổi được quan điểm. Người có Mệnh an tại tứ Chính thường hay được hưởng Đế Vượng nên có sức khỏe tốt.

Mệnh ở tứ Mộ gồm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Khi Mệnh an tại tứ Mộ thì thường là người mềm dẻo, biết thân phận, không muốn phiền nhiễu ai, hay bị bệnh và sức khỏe yếu.

Trong các cung Sinh, Chính, Mộ đó đều có cung Âm, cung Dương. Các cung Dương thường kiên quyết, cẩn thận và chu đáo. Các cung Âm thì thường rộng rãi, bao dung và hòa hợp hơn.

Tọa thủ – Đồng cung: Chính tinh đóng ở một cung cụ thể thì gọi là tọa thủ. Hai chính tinh cùng đóng tại một cung thì gọi là đồng cung. Chẳng hạn khi Liêm Trinh đóng tại cung Mệnh thì nói Liêm Trinh tọa thủ tại cung Mệnh, nhưng nếu tại cung Mệnh có 2 chính tinh là Liêm Trinh và Tham Lang cùng đóng ở đó thì gọi là Liêm – Tham đồng cung tại Mệnh…

Sự ảnh hưởng của các sao đồng cung tới số mệnh con người sẽ không như nhau mà phải căn cứ vào mối quan hệ Âm Dương – Ngũ hành giữa cung, chính tinh và bản Mệnh như thế nào. Đặc biệt trong trường hợp sao đó đi cùng với các sao khác để tạo thành bộ, thành cách.

Tuy vậy, khi coi lá số, không nhất thiết chỉ chính tinh mới dùng các thuật ngữ này, mà trong nhiều trường hợp người coi tử vi vẫn thường dùng thuật ngữ đồng cung để nói về các sao (cả chính tinh, phụ tinh) khi cùng đóng trong một cung.

Độc thủ: Là một sao duy nhất đóng tại cung chính, không có sao khác để tạo thành đôi, thành cách (cục).

Lâm – Nhập: Hai thuật ngữ trên đều mang một nghĩa là sao đó đóng ở 1/12 cung của lá số. Sự khác nhau chỉ ở chỗ: Sao tốt đóng ở đâu thì gọi là lâm, sao xấu đóng ở đâu thì gọi là nhập. Tuy nhiên, thuật ngữ này ít được dùng khi coi lá số.

Hội họp: Thuật ngữ này dùng để chỉ các sao cùng chiếu về cung chính ở các thế xung chiếu, tam hợp chiếu, nhị hợp, giáp… (Duy cụ Thiên Lương lại không tính các sao ở cung xung chiếu vì cụ cho rằng cung xung chiếu là cung của “đối thủ” nên không thể tính là sao “hội họp” được.) Sự hội họp của các sao càng có giá trị quyết định tới số phận của đương số khi chúng tạo thành cách cục.

Trên lý thuyết thì các sao ở tam hợp chiếu sẽ mạnh hơn các sao nhị hợp, càng mạnh hơn các sao giáp nhưng thực tế khi các sao hội họp tạo thành cách thì sự phân biệt đó trở thành vô nghĩa.

Cách: Khi các tinh đẩu kết hợp lại với nhau làm thành một bộ sao thì gọi là cách. (Riêng với phụ tinh thì có người gọi là cách, có người gọi là cục.)

Với chính tinh, có 6 cách sau:

– Tử, Phủ, Vũ, Tướng

– Sát, Phá, Liêm, Tham

– Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương

– Cự, Nhật

– Nhật, Nguyệt

– Vô chính diệu (không có chính tinh tọa thủ)

Thường thì người ta cho cách Tử, Phủ, Vũ, Tướng là đẹp nhất, còn cách vô chính diệu là xấu nhất, nhưng thật ra 6 cách trên đều tốt đẹp như nhau nếu chúng được thập toàn. Để được thập toàn thì phải hội đủ các sao để tạo thành cách và các sao đều phải đắc địa. Nếu sao nào đó hãm địa cần phải có Tuần, Triệt làm cho sáng lại, tuy nhiên cũng không thể toàn mỹ được.

Trường hợp Vô chính diệu, để thập toàn phải đáp ứng một số điều kiện sau:

– Tuần, Triệt án ngữ tại bản cung

– Hội đủ 4 hoặc chí ít là 3 sao không: Tuần, Triệt, Địa Không, Thiên Không.

– Nhật, Nguyệt sáng sủa hội chiếu

Với các phụ tinh thì sự kết hợp của các sao tạo thành bộ thì cơ bản thành các cách: Phú cách (giàu có), Quý cách (sang trọng), Thọ cách (sống lâu), bần tiện cách (nghèo hèn), Tạp cách (xấu nhất)

Tuy nhiên, các cách của phụ tinh chỉ có giá trị tốt đẹp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Đầy đủ: Hội tụ đầy đủ các sao để tạo thành cách.

– Đắc địa: Các sao đều phải đắc địa

– Đông đảo: Hội nhiều cách hay về bản cung

– Thuần tuý: Các cách của phụ tinh phải phù hợp với các cách của chính tinh.

Cục: Là yếu tố ghi ở giữa khoang lá số dùng để cứu xét tương quan giữa Cục và bản Mệnh, giữa Cục và cung Thân.

Miếu địa: Mỗi sao phải cần đứng tại vị trí của mình thì mới phát huy sức ảnh hưởng vào số kiếp của con người, làm cho cuộc sống của đương số tốt đẹp may mắn hơn. Trong những trường hợp đó gọi là miếu địa. Tuy nhiên, cũng thường thấy sách tử vi dùng các từ như đắc địa, vượng địa để diễn đạt sự đúng chỗ của các sao nhưng 2 trường hợp này không đẹp bằng miếu địa.

Hãm địa: Là sao đứng không đúng chỗ của mình nên vô ích hoặc bất lợi cho cuộc sống con người thì gọi là hãm địa. Lẽ đương nhiên khi sao hãm địa rơi vào những cung chính mà các sao đó lại thuộc nhóm hung sát tinh thì sức phá hại của chúng tới số kiếp con người tàn bạo hơn nhiều khi những sao đó nằm đúng chỗ.

Giáp: Giáp là một cung mà có các sao bộ đôi như Khôi Việt, Xương Khúc, Tả Hữu, Không Kiếp, mỗi sao nằm một bên. Có giáp cung và giáp góc.

Giáp cung là cung có bộ sao kèm hai bên, nhưng trên một hàng thẳng thí dụ cung Sửu giáp Tí và Dần.

Giáp góc là giáp ở góc thí dụ các cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Giáp góc ít hiệu quả hơn giáp cung.

Có sách cho rằng: Sao giáp có khi còn mạnh hơn cả sao toạ thủ, cũng như sao chiếu có khi mạnh hơn sao đồng cung. Chẳng hạn khi Mệnh giáp Không – Kiếp chắc chắn sẽ là người nghèo khổ cho dù Chính tinh thủ Mệnh có đắc địa, phù sinh cho bản Mệnh…